Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần có hợp lý?

Tiền bảo hiểm xã hội là tiền lương của người lao động đóng vào, có phải tiền trúng số đâu mà cắt giảm 50%? Nếu đưa ra quy định này thì còn bao nhiêu người đóng BHXH trừ khi bị ép buộc?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội. Theo đó, nội dung về sửa quy định liên quan tới hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã được nêu rõ hơn, theo hướng cho người lao động lựa chọn.

Định hướng sửa luật vẫn giữ quy định cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc từ 1 năm trở lên nhưng không đóng tiếp, thay vì không cho phép người lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên, luật có thể đưa ra các lựa chọn khác nhau giữa rút bảo hiểm xã hội 1 lần ngay hoặc để tới khi hết tuổi lao động mới rút.

Đáng lưu ý là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội- đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội.

Đề xuất này lập tức nhận được phản ứng từ phía người lao động. Đề cập đến cuộc sống người lao động hiện nay, bạn đọc Thương Nguyễn bức xúc: "Tôi làm công nhân 13 năm, 13 năm tôi ăn gạo nở xốp rẻ nhất, rau, cá, thịt ế tồn bán lúc gần tối ở vỉa hè gần công ty, mặc áo 100 đồng 3 cái, quần 100.000 đồng/1 cái nên 1 năm mua khoảng 2 cái quần/ "Khi mẹ bị bệnh tôi chỉ có thể nuốt nước mắt gửi về 2 triệu đồng tiền tôi tiết kiệm, đến khi ba tôi nói mẹ nặng lắm con về liền đi mới vội vàng viết đơn xin nghỉ phép chưa được duyệt thì bay về. Đến bây giờ đó vẫn là nỗi áy náy tiếc nuối khôn nguôi"- Thương Nguyễn ấm ức.

Riêng bạn đọc Đặng Công Tài, đặt vấn đề: "Đóng bảo hiểm để an sinh xã hội mà có cái suy nghĩ như thế này thì làm sao an sinh được. Một tháng người lao động và người sử dụng lao động đóng 32% (10,5% của người lao động, 21.5% của người sử dụng lao động) x 12 tháng = 384%/1 năm. Vì an sinh xã hội cần tăng lên mức hưởng 1 năm được 3-4 tháng lương thì sẽ khác thôi. Đằng này đề xuất xuống 1 tháng. Vậy còn 2-3 tháng kia đi đâu?

Một bạn đọc tên Nguyên, đặt câu hỏi: "Tiền bảo hiểm xã hội là tiền lương của người lao động đóng vào, có phải tiền trúng số đâu mà cắt giảm 50%? Nếu đưa ra quy định này thì còn bao nhiêu người đóng bảo hiểm xã hội trừ khi bị ép buộc?’. Bạn đọc Ngô Đức Hiệp thì gay gắt hơn: "Người lao động đóng vào bao nhiêu thì tính tiền lãi và gốc trả cho người ta, sao phải giảm?".

Trong khi đó, bạn đọc Trần Thị Hương, cho rằng cơ quan soạn thảo lúc nào cũng chỉ tìm cách giảm quyền lợi của người lao động thôi. "Tuổi hưu thì ngày càng tăng lên, chưa đến tuổi hưu đã trầu ông vải rồi. Vậy nên để người lao động được rút tiền bảo hiểm xã hội một lần và đừng giảm quyền lợi của người lao động nữa, họ khổ lắm rồi" – bạn đọc Trần Thị Hương, bày tỏ.

Bạn đọc Võ Ngọc, thì chất vấn: "Quyền lợi được hưởng thì phải đảm bảo đầy đủ. Ai có đề xuất giảm 50% khi chọn nhận 1 lần? Người ta rút một lần để có tiền xoay sở giải quyết trước mắt cuộc sống. Đề nghị hủy bỏ đề xuất này". Một bạn đọc tên Anh cho rằng tình hình dịch bệnh hiện nay rất căng thẳng, việc làm thì không, tiền thì không có chi tiêu hằng ngày. Cho dù có giảm 50% hay không thì người lao động vẫn rút... Nếu không rút thì trước mắt lấy gì sống mà tính toán tới chuyện tương lai xa tít là xa..

Ban đọc Duc Nguyen, bày tỏ: "Đóng Bảo hiểm xã hội là hướng tới người lao động được hưởng khi về hưu, không đủ hưu thì trả cả cục để họ gửi ngân hàng. Tiền đó là người lao động và người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động, Hà cớ gì mà giảm 50% của họ?"

Một bạn đọc tên Tinh phân tích: "Cho dù giảm tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần xuống 20⁰/0thi cũng vẫn phải rút vì nếu không đảm bảo được cuộc sống hàng ngày thì bắt buộc phải rút thôi, còn lương hưu có thực sự đảm bảo an sinh xã hội hay không cũng là vấn đề cân nhắc.Nếu tiền bảo hiểm xã hội 1 lần rút ra gửi ngân hàng mà tiền lãi ròng cao hơn lương hưu thì người lao động chọn rút tiền chứ chả cần thiết phải có hưu muốn giữ chân người đóng thì cần thiết phải có chính sách ưu đãi để người dân thấy cái lợi từ bảo hiểm xã hội, vì những người cần hưu trí thì không phải là người giàu có, còn người giàu họ cũng sẽ không quan tâm đến hưu là mấy, đấy là ý kiến của cá nhân tôi"- bạn đọc này viết.

An Khánh ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/de-xuat-giam-50-muc-huong-neu-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-co-hop-ly-20210610083657668.htm