Đề xuất giảm biểu giá điện bậc thang xuống còn 5 bậc
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, giá điện bán lẻ được tính toán lại giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc; trong đó, bậc 1 nâng từ 0-50 kWh lên 0-100 kWh.
Sáng 21/8, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian gần đây, tình hình cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng có tiến bộ rất rõ, không giống như năm 2023 thiếu điện cục bộ. Đó là thành quả rất tốt của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cách tính giá điện bậc thang như hiện nay chưa phù hợp với người dân. Trong đó, bậc 1 của điện sinh hoạt quy định mức sử dụng chỉ từ 0-50kWh. Ngoài ra, người dân tiêu thụ điện, trả tiền điện còn phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% là chưa hợp lý.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công Thương lý giải vấn đề này, có thể miễn thuế VAT và nâng biểu giá điện bậc 1 lên 100kWh?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Bởi, điện là sản phẩm rất khác so với các ngành khác, càng sản xuất nhiều, càng ảnh hưởng tới môi trường; cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường vì năng lượng là ngành phát thải khá lớn.
Bộ trưởng nêu rõ, tại Việt Nam, theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm 6 bậc.
Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì sửa đổi Quyết định này. Theo đó, trong Dự thảo Quyết định trình Chính phủ, giá điện bán lẻ được tính toán lại giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Trong đó, bậc 1 nâng từ 0 - 50 kwh lên 0 - 100 kWh, như đại biểu mong muốn.
Cách tính này nhằm hỗ trợ người nghèo đồng thời cũng giữ được mức hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vẫn như cũ, ngân sách nhà nước hỗ trợ tới mức 30 kWh. Từ mức 30 đến hết khung bậc 1, người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định - Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, để xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, Dự thảo Quyết định đề nghị điều chỉnh khung giá của các đối tượng sản xuất, sinh hoạt tiệm cận hơn. Một số ngành sản xuất được điều chỉnh tương ứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như sinh hoạt để đảm bảo không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
Liên quan đến vấn đề thuế VAT trong hóa đơn tiền điện, tham gia trả lời tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước thu được thuế mới đảm bảo sự vững mạnh tài chính công, đảm bảo trang trải cho xã hội, hoạt động của bộ máy nhà nước, hạ tầng trọng yếu, an ninh quốc phòng, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc giảm thuế để giải quyết một vấn đề giá cả có biến động theo thị trường là không hợp lý.
Theo Bộ trưởng, thực tế thời gian qua, do tác động khách quan như dịch Covid-19, Quốc hội đã quyết định giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, liên quan đến điện bậc thang, điện sinh hoạt đã có quy định hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách; áp dụng điện bậc thang để khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện.