Đề xuất giám sát việc giải quyết kiến nghị liên quan đến điện mặt trời

Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho các cơ quan của Quốc hội giám sát việc giải quyết vụ việc của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.

Trưởng ban Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp.

Trưởng ban Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp.

Tiếp tục phiên họp thứ 18, chiều ngày 15/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện của Quốc hội trong 2 tháng 10 - 11/2022.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ về nội dung trên, Trưởng ban Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, qua công tác theo dõi việc giải quyết đối với đơn đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho các cơ quan của Quốc hội đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết đối với vụ việc của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam ở tỉnh Ninh Thuận (thuộc Tập đoàn Trung Nam).

Cụ thể, công ty này đề nghị về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam dừng khai thác phần công suất 172 MW chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời tại xã Phương Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Về vụ việc này, theo báo cáo, ngày 5/10, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 316/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp 24/9/2022 với các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Ninh Thuận.

Trong đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam. Trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện giữa các bên, công nhận vận hành thương mại của cơ quan có thẩm quyền... bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, ngày 7/10, Cục Điện lực - Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương có Văn bản số 2016 yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện khai thác, huy động trên cơ sở thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan. Yêu cầu nữa là khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương tại văn bản số 6015 ngày 4/10/2022 về việc tính khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Ban Dân nguyện cho rằng, đây là vụ việc điển hình có vướng mắc về việc xác định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đối với những dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước ngày 1/1/2021 (đối với điện mặt trời) và trước 1/11/2021 (đối với điện gió) nhưng không kịp đáp ứng các điều kiện để được áp dụng giá FIT vào thời gian quy định theo các quyết định Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 3/10/2022, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng mua bán điện giữa Tập đoàn điện lực Việt Nam và chủ dự án nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo.

Trưởng ban Dân nguyện nêu rõ, trên cơ sở kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, Ban Dân nguyện có công văn số 1335 ngày 1/11/2022 chuyển kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam để giải quyết.

"Tuy nhiên, đến nay vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. Việc kéo dài thời gian ngừng huy động phần công suất chưa có giá điện của nhà máy điện mặt trời 450MW gây lãng phí nguồn điện từ năng lượng tái tạo, thiệt hại cho nhà đầu tư”, Ban Dân nguyện nhận định.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-giam-sat-viec-giai-quyet-kien-nghi-lien-quan-den-dien-mat-troi-d180240.html