Đề xuất giảm thủ tục, rút gọn quy trình trong tuyển dụng công chức

Bộ Nội vụ đang đề xuất sửa đổi Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức theo hướng rút gọn quy trình tuyển dụng từ 195 - 225 ngày xuống còn 125 - 145 ngày; không yêu cầu nộp chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học trong thi tuyển, xét tuyển.

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, đổi mới quy trình tuyển dụng nhằm nâng cao chất lượng tuyển dụng, bảo đảm tuyển được những thí sinh đạt kết quả cao hơn khi dự thi vào cùng một vị trí việc làm ở nhiều cơ quan sử dụng khác nhau; thí sinh trúng tuyển sẽ có cơ hội lựa chọn nhiều hơn 2 nguyện vọng.

 Ảnh: Minh họa.

Ảnh: Minh họa.

Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện: Có kết quả điểm thi vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên. Trường hợp thi kết hợp viết và phỏng vấn thì người dự thi phải dự thi đủ cả 2 phần thi và có kết quả mỗi phần thi đạt từ 50 điểm trở lên; có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm, kể cả đối với vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức.

Đối với người trúng tuyển ở vị trí việc làm được tuyển dụng chung thì việc xác định cơ quan sử dụng công chức thực hiện theo lựa chọn trong Phiếu đăng ký dự tuyển. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

Ngay sau khi có quyết định phê duyệt kết quả trúng tuyển, Hội đồng tuyển dụng phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức và gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển tới người trúng tuyển theo hình thức đăng ký trong Phiếu đăng ký dự tuyển. Nội dung thông báo phải ghi rõ thời hạn người trúng tuyển phải đến cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày danh sách trúng tuyển được công khai trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, người trúng tuyển phải hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng nộp cho cơ quan tuyển dụng. Hồ sơ tuyển dụng bao gồm: Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển; bản sao chứng nhận đối tượng ưu tiên, văn bằng, chứng chỉ để được miễn thi ngoại ngữ (nếu có). Kết quả thi kiểm định chất lượng đầu vào (nếu có).

Nếu như theo quy định cũ, người trúng tuyển phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp thì nay Bộ Nội vụ đề xuất bỏ thủ tục này và thời gian hoàn thiện hồ sơ cũng rút ngắn lại 10 ngày so với trước.

Trường hợp người trúng tuyển không hoàn thiện đủ hồ sơ tuyển dụng theo quy định hoặc có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc bị phát hiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định để tham gia dự tuyển thì kết quả tuyển dụng đương nhiên bị hủy bỏ. Trường hợp người đăng ký dự tuyển có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định để tham gia dự tuyển thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức thông báo công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan và không tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển trong 1 kỳ tuyển dụng tiếp theo.

Trường hợp đã được xác định trúng tuyển ở vị trí việc làm được tuyển dụng chung nhưng không còn biên chế tại cơ quan sử dụng công chức đã lựa chọn trong Phiếu đăng ký dự tuyển thì Hội đồng tuyển dụng có trách nhiệm thông báo tới người trúng tuyển danh sách các cơ quan sử dụng công chức còn biên chế tuyển dụng để lựa chọn theo nguyên tắc người nào có kết quả điểm cao hơn được ưu tiên lựa chọn trước.

Trường hợp người trúng tuyển không lựa chọn thì Hội đồng tuyển dụng thông báo trúng tuyển tới người có kết quả trúng tuyển thấp hơn liền kề ở chỉ tiêu cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng.

Thành Nhân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-giam-thu-tuc-rut-gon-quy-trinh-trong-tuyen-dung-cong-chuc-post304506.html