Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: chưa đủ hấp dẫn

Kinhtedtohi – Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi được Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống còn 15-17%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá mức giảm này chưa đủ hấp dẫn để hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.

Thêm nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 900.000 doanh nghiệp hoạt động, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một lực lượng chủ lực trong nền kinh tế, nên việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn để phát triển với quy mô lớn hơn, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách Nhà nước.

Trong giai đoạn từ năm 2008 - 2012, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các giải pháp hỗ trợ về thuế đối với nhóm doanh nghiệp này, trong đó có giải pháp về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với đó, trong giai đoạn từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 31/12/2015, doanh nghiệp có quy mô nhỏ (doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 20%, thấp hơn mức thuế suất 25% và 22% áp dụng đối với các doanh nghiệp khác. Riêng năm 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp này còn được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống còn 15-17%.

Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống còn 15-17%.

Mới đây, tại dự thảo luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp dụng mức thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ 15 - 17%, thay vì mức 20% như thuế suất phổ thông hiện hành. Cụ thể, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng sẽ chịu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15%. Những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng sẽ chịu thuế suất 17%.

Thuế suất này không áp dụng với các doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không thuộc đối tượng được hưởng chính sách trên.

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung quy định này góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây cũng là tiền đề giúp doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Việc thực hiện các mức thuế suất tương ứng theo quy mô doanh thu của doanh nghiệp cũng thể hiện chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp là có thời hạn (mức thuế suất thay đổi theo bước phát triển của doanh nghiệp) và bảo đảm sự khuyến khích, hỗ trợ phù hợp thực tế.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đảm bảo tính phù hợp với thông lệ quốc tế, khi hầu hết các nước trên thế giới đều có xu hướng cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặt khác, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn có tác động quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, nhằm tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, hoạt động hiệu quả và có khả năng tăng trưởng nhanh sau khi thành lập, góp phần thúc đây tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng: “Phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Tài chính là tín hiệu rất tốt nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Chính sách này rất quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Nhưng giảm cụ thể như thế nào cần cân nhắc kỹ trên cơ sở phân tích chi phí của doanh nghiệp”.

Kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách

Việc lựa chọn giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên tiêu chí doanh thu, được đánh giá là một quyết định hợp lý, phản ánh đúng bản chất kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, hiện chỉ khoảng 20% có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính nên mở rộng thêm quy mô doanh thu để thêm nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nhiệm vụ quan trọng là mức xác định thế nào là doanh nghiệp siêu nhỏ và thế nào là doanh nghiệp nhỏ. Nếu nói doanh nghiệp siêu nhỏ theo mức tổng doanh thu trong 1 năm chỉ dưới 3 tỉ đồng mới được áp dụng mức thuế 15% thì chưa hợp lý, bởi đây là mức quá thấp, điều kiện cực kỳ “khắt khe” nên chỉ rất ít doanh nghiệp đạt được. Vì thế chưa đủ hấp dẫn để mang tính hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.

Tương tự, ngưỡng doanh thu để xác định nhỏ nhằm áp dụng thuế suất 17% cũng phải được xem xét theo hướng nâng cao hơn. Nếu theo quy định như thế này thì doanh nghiệp trên 50 tỉ đồng là hầu như không có giảm gì về thuế. Vì vậy cần tăng quy mô doanh thu của doanh nghiệp lên cao hơn trong quy định để hưởng mức thuế ưu đãi. Đây mới thực sự là mang mục tiêu hỗ trợ cho nhóm đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cũng như nói chung là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu không thì chỉ ngay sau khi ban hành luật đã bị “lỗi thời” và các doanh nghiệp trong nước mãi cũng khó phát triển, tăng sức cạnh tranh.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP truyền thông và máy tính Thánh Gióng Lại Anh Dương kiến nghị, Bộ Tài chính nên mở rộng biên độ doanh thu để nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách. Bởi, với doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp chỉ đủ chi phải chi phí sản xuất kinh doanh và lương cho khoảng 10-15 lao động. Nếu áp dụng tiêu chí này, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được chính sách, trong khi họ chiếm phần lớn doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Cùng với đó, có thêm các chính sách tiếp cận về mặt bằng, các thủ tục hành chính, trợ vốn trung hạn để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, thực hiện đổi mới. Tất cả phải đồng bộ với nhau thì nó mới phát huy hết ý nghĩa của chính sách thuế để làm sao người ta kinh doanh có lời thì người ta mới nộp thuế.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-chua-du-hap-dan.html