Đề xuất giảm thuế xuống còn 15 - 17% cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi được Bộ Tài chính lấy ý kiến đề xuất giảm mức thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống còn 15 - 17% thay vì mức 20% như hiện hành.
Theo dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ từ 15 - 17% thay vì mức 20% như thuế suất phổ thông hiện hành.
Cụ thể, DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng sẽ chịu mức thuế TNDN 15%. Những DN có tổng doanh thu năm trên 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng sẽ chịu thuế suất 17%. Thuế suất này không áp dụng với các DN là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà DN trong quan hệ liên kết không thuộc đối tượng được hưởng chính sách trên.
Bộ Tài chính lý giải, trong tổng số khoảng 900.000 DN đã được thành lập và hoạt động thì số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%. Đây là nhóm đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đồng thời cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.
Trước đây, trong giai đoạn từ tháng 7/2013 đến hết năm 2015, DN nhỏ có doanh thu không quá 20 tỉ đồng/năm được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20%, thấp hơn mức thuế suất 22% và 25% áp dụng đối với các DN khác.
Tuy nhiên từ đầu năm 2016 đến nay, các DN có quy mô nhỏ vẫn áp dụng thuế TNDN với mức 20% như các DN khác, riêng năm 2020 - 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các DN quy mô nhỏ được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng: Quan trọng là mức xác định thế nào là DN siêu nhỏ và thế nào là DN nhỏ. Nếu nói DN siêu nhỏ theo mức tổng doanh thu trong 1 năm chỉ dưới 3 tỷ đồng mới được áp dụng mức thuế 15% thì chưa hợp lý bởi đây là mức quá thấp, điều kiện cực kỳ "khắt khe" nên chỉ rất ít DN đạt được.
Vì thế chưa đủ hấp dẫn để mang tính hỗ trợ các DN siêu nhỏ cũng như nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển lên DN. Tương tự, ngưỡng doanh thu để xác định DN nhỏ nhằm áp dụng thuế suất 17% cũng phải được xem xét theo hướng nâng cao hơn. Nếu theo quy định như thế này thì DN trên 50 tỷ đồng là hầu như không có giảm gì về thuế. Vì vậy cần tăng quy mô doanh thu của DN lên cao hơn trong quy định để hưởng mức thuế ưu đãi. Đây mới thực sự là mang mục tiêu hỗ trợ cho nhóm đối tượng DN siêu nhỏ và nhỏ cũng như nói chung là DN nhỏ và vừa. Nếu không thì chỉ ngay sau khi ban hành luật đã bị "lỗi thời" và các DN trong nước mãi cũng khó phát triển, tăng sức cạnh tranh.
Theo LS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hội DN Tp.HCM (HUBA), đánh giá quy định trong dự thảo của Bộ Tài chính áp dụng thuế suất 15 - 17% cho DN nhỏ và siêu nhỏ là khó xác định doanh thu, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, ngưỡng doanh thu để được hưởng thuế suất ưu đãi này là quá thấp.
Nếu áp dụng thì cũng rất ít DN đủ điều kiện để tiếp cận được thuế suất ưu đãi 15% nên sẽ không đạt được mục tiêu đề ra là hỗ trợ họ. Đó là chưa kể DN hoạt động thương mại thường sẽ có doanh thu lớn hơn nhiều so với DN sản xuất nên việc cào bằng cũng chưa hợp lý.
Do vậy, HUBA đề xuất cơ quan soạn thảo nâng mức doanh thu đối với DN nhỏ và siêu nhỏ được áp dụng thuế suất TNDN 15% tăng cao hơn và chia theo ngành nghề. Cụ thể, các DN nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 50 tỉ đồng. Riêng DN trong lĩnh vực thương mại có tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng. Đối với các công ty để được áp dụng thuế TNDN 17% thì DN trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng. Riêng DN trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ có tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng.
Đồng thời, ban soạn thảo nên xem xét áp dụng chung thuế suất ưu đãi tối thiểu là 15% và tăng thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi với ngành có điều kiện ưu đãi nhiều hơn, phù hợp thuế suất toàn cầu, đảm bảo công bằng giữa DN VN và DN nước ngoài.