Đề xuất giáo viên phổ thông, dự bị đại học làm việc 42 tuần/năm học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.

Dự thảo Thông tư này của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, trường dự bị đại học, bao gồm: Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm; định mức tiết dạy; chế độ giảm định mức tiết dạy và quy đổi các hoạt động khác ra tiết dạy.

Dự thảo Thông tư áp dụng đối với giáo viên ở các trường phổ thông công lập gồm: Trường tiểu học; trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường phổ thông dân tộc nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường chuyên; trường, lớp dành cho người khuyết tật và trường dự bị đại học.

Cũng theo dự thảo, thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần, trong đó: 37 tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm 35 tuần thực dạy và 2 tuần dự phòng dành cho việc hoàn thiện các nội dung giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác; 3 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 2 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giáo viên phổ thông, dự bị đại học làm việc 42 tuần/năm học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giáo viên phổ thông, dự bị đại học làm việc 42 tuần/năm học

Thời gian làm việc trong năm học của giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó: 28 tuần dành cho việc giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học; 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học; 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.

Thời gian nghỉ của giáo viên gồm: Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3, Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục; thời gian nghỉ thai sản theo quy định; thời gian nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Thời giờ nghỉ ngơi của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.

Định mức tiết dạy trong một năm học đối với giáo viên được xác định: Định mức tiết dạy trong một năm học bằng định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần nhân với số tuần dành cho việc giảng dạy.

Trong đó, số tuần dành cho việc giảng dạy là tổng số tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục và không bao gồm số tuần dự phòng.

Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh hoặc vì các lí do bất khả kháng khác mà phải điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học thì số tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục thực hiện theo quy định điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền.

Trong khi đó, định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần: Căn cứ vào thực trạng đội ngũ, kế hoạch của nhà trường và định mức tiết dạy trong 1 năm học, hiệu trưởng phân công nhiệm vụ giáo viên với định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần như sau: Giáo viên trường tiểu học là 23 tiết, giáo viên trường trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trường trung học phổ thông là 17 tiết; giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học là 21 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở là 17 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở là 17 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông là 15 tiết; giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian đăng tải dự thảo Thông tư trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo Thông tư tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến góp ý của dư luận.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-giao-vien-pho-thong-du-bi-dai-hoc-lam-viec-42-tuannam-hoc-327524.html