Đề xuất gói phục hồi kinh tế 844.000 tỉ đồng

Cùng với đề xuất gói phục hồi, phát triển kinh tế 844.000 tỉ đồng, các chuyên gia còn góp ý việc hỗ trợ phải kịp thời, nhanh nhạy, đi thẳng vào nền kinh tế

Ngày 5-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững.

Huy động từ nhiều nguồn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là cơ hội để QH và các cơ quan, tổ chức liên quan lắng nghe ý kiến về các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Đưa ra một số hàm ý chính sách với Việt Nam tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng khó khăn lần này xuất phát từ dịch Covid-19 nên để xử lý triệt để, các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: MINH PHONG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: MINH PHONG

Theo ông Cường, các gói hỗ trợ tài khóa rất cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và đang chuyển hướng phục hồi. "Ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế của Việt Nam có thể nâng lên khoảng 5% - 7% GDP để đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, bao trùm" - ông Cường nhìn nhận.

Đại diện nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nêu một số gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH. Theo ông Lực, tổng giá trị công bố các gói chính sách, gói hỗ trợ gồm: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội và chính sách khác ước khoảng 843.845 tỉ đồng, tương đương 10,38% GDP năm 2021. Trong đó, chính sách tài khóa chiếm lớn nhất trong cơ cấu với 678.395 tỉ đồng. Về giá trị thực tế của tổng hợp các gói chính sách, gói hỗ trợ nêu trên, theo tính toán của nhóm nghiên cứu là khoảng 445.760 tỉ đồng (chiếm 5,48% GDP).

Ông Lực cho hay với giá trị thực chi của gói hỗ trợ khoảng 445.760 tỉ đồng thì nguồn lực cho gói hỗ trợ bao gồm: phát hành trái phiếu Chính phủ; tiết giảm chi phí; thúc đẩy cổ phần hóa thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; cho phép sử dụng bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm xã hội mua trái phiếu Chính phủ, các quỹ ngoài ngân sách...

Cần những giải pháp đột phá

Đồng tình với việc cần gói chính sách hỗ trợ khi thảo luận tại diễn đàn, đại biểu QH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, lưu ý đến việc đánh giá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo đó, để tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cần đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ nên đặt hàng tư nhân phát triển công trình và trả tiền cho họ bằng vốn đầu tư công.

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đề cập tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, như tỉ lệ tạm ngừng sàn xuất - kinh doanh tháng 11-2021 tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020; tỉ lệ doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 13,8%... Hiện nay, các doanh nghiệp đang "thiếu máu" trầm trọng, đặc biệt là nguồn lực về vốn hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các tín dụng... Từ đó, ông Tuấn đề xuất phải có những gói hỗ trợ đủ quy mô và đủ tính cấp thiết, kịp thời, nhanh nhạy, "đi thẳng vào nền kinh tế".

Với tư cách khách mời của diễn đàn, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục KT-XH. Ông Francois Painchaud khuyến nghị nếu các chính sách tài khóa, tiền tệ triển khai kịp thời, đúng đối tượng và có công cụ tái cơ cấu để hỗ trợ phát triển trong dài hạn..., có thể giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của đại dịch.

Kết luận diễn đàn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhắc lại trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, cần có giải pháp đột phá, cơ chế khác với điều kiện bình thường để phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, cần tập trung tăng tổng cung và tổng cầu, ưu tiên hơn cho tổng cung; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa - tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình cụ thể.

Chủ tịch QH lưu ý các chính sách, gói hỗ trợ cần dễ dàng trong tổ chức thực hiện, khả thi, nhanh chóng, vừa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô và nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.

Bên lề ‘’Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững’’, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã tiếp Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries. Chủ tịch QH đề nghị ADB tiếp tục hỗ trợ QH và các cơ quan hoạch định chính sách chiến lược của Việt Nam trong việc tiếp tục nâng cao năng lực dự báo và tầm nhìn một cách chính xác hơn, kịp thời hơn.

Bà Andrew Jeffries nhất trí với các đề xuất này, đồng thời khẳng định ADB Việt Nam sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

T.Dũng

Nền kinh tế thiệt hại 37 tỉ USD vì Covid-19

Tại tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ diễn đàn tổ chức vào sáng cùng ngày, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết giả định không có Covid-19 trong năm 2020-2021, GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 7%. Tuy nhiên, trên thực tế, tăng trưởng năm 2020 chỉ là 2,91% và năm 2021 dự kiến 2,5%.

Như vậy, theo ông Nguyễn Thành Phong, năm 2020, thiệt hại khoảng 160.000 tỉ đồng và năm 2021 dự kiến thiệt hại 346.000 tỉ đồng. Tính cả 2 năm, thiệt hại kinh tế là 507.000 tỉ đồng tính theo giá cố định năm 2010 và lên tới 847.000 tỉ đồng (tương đương 37 tỉ USD) tính theo giá hiện hành.

M.Chiến

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/de-xuat-goi-phuc-hoi-kinh-te-844000-ti-dong-20211205224101405.htm