Đề xuất hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét hạ lãi suất cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhà ở xã hội để phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đây là đề xuất được Bộ Xây dựng đưa ra tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội sáng 16/3.
Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) khiến gói tín dụng này chưa thực sự thu hút người vay.
Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất NHNN tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ này.
Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ngày 12/3, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) Nguyễn Xuân Bắc cho biết đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia gói 120.000 tỷ với 68 dự án.
Trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án như Hà Nội (6 dự án), Tp.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án). Trong số 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố, có 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án có nhu cầu giải ngân bao gồm: 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng và đã được giải ngân 640 tỷ đồng; cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.
Ngoài đề xuất giảm lãi vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, để hoàn thành mục tiêu có 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm nay, Bộ Xây dựng cũng đề xuất Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Xây dựng bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước từ nguồn đầu tư công cho Ngân hàng Chính sách để phục vụ khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trong đó, theo đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024-2025 nhu cầu là 12.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp 50% là 6.000 tỷ đồng, mỗi năm cấp 3.000 tỷ đồng.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Xây dựng đề xuất các Bộ, ngành, tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để góp ý xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi pháp luật về Thuế… để đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) về các cơ chế chính sách nhà ở xã hội.
Hiện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đang tập trung nghiên cứu dự thảo các Nghị định hướng dẫn các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Chính phủ xem xét ban hành ngay trong tháng 5, làm cơ sở để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho phép các Luật nêu trên có hiệu lực sớm, dự kiến từ 1/7.