Đề xuất hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy mới: Bài toán có khả thi?
Đề xuất hỗ trợ hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy mới của thành phố Hà Nội được đánh giá là ý tưởng khá hay nhưng muốn hiện thực hóa sẽ phải giải được bài toán về tính pháp lý và nguồn kinh phí hỗ trợ.
Chủ trương hỗ trợ 2-4 triệu đồng để người dân bỏ xe máy sản xuất trước năm 2002 và không đạt chuẩn về khí thải của thành phố Hà Nội đang được nhiều người quan tâm nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác và tiềm lực kinh tế của chính chủ xe sở hữu những “con ngựa sắt” - vốn vẫn đang là "cần câu cơm" hàng ngày.
Ngoài ra, nhiều người cũng thắc mắc với số lượng xe máy cũ nhưng với số lượng vài triệu chiếc ở Thủ đô như hiện nay, thì kinh phí đổi sang xe mới sẽ được lấy từ đâu?
“Con ngựa sắt” vẫn là cần câu cơm
Dọc các tuyến phố Giảng Võ, Đê La Thành hay khu vực chợ hoa quả Long Biên (Hà Nội), hàng loạt xe máy cũ vẫn lưu thông chạy trên đường. Thậm chí, nhiều xe với bộ khung sắt trơ trụi, hệ thống đèn xe không còn chiếc nào, tiếng máy nổ đùng đoàng vì không có pô, khói đen nhả liên tục mỗi lần xe chạy... vẫn được tận dụng để làm phương tiện chở hàng thường ngày.
Với chiếc xe Dream cũ nát cạnh gốc cây trên đường Giảng Võ, anh Trần Trọng Hà (Bắc Ninh) đã có thâm niên làm nghề chở hàng thuê hàng chục năm ở đất Hà thành.
Anh Hà thừa nhận không thể biết được “con ngựa sắt” thường ngày gắn bó với mình đã trải qua bao nhiêu đời chủ, chỉ biết rằng nó thuộc quyền sở hữu khi anh mua lại từ một người bạn ở trọ cùng trên phố Láng Hạ vào năm 1999.
Hiện tại, chiếc xe chủ yếu chở những hàng hóa cồng kềnh như sắt, thanh inox dài, khung cửa sắt... vào những khu vực ngõ, phố nhỏ khi xe ôtô không thể đi vào. Hơn nữa, tiền công vận chuyển của xe máy rẻ hơn rất nhiều, trong khi độ linh hoạt và tiện dụng lại rất cao.
“Xe này không có giấy tờ, không có biển kiểm soát, không gương. Đôi khi ra đường, cảnh sát giao thông có kiểm tra hoặc đen đủi dính vào xử phạt tạm giữ thì cũng chỉ là một ‘cục sắt di động’ không hơn, không kém. Tuy nhiên, xe dù đã cũ nát, tuổi đời cao nhưng đây chính là ‘cần câu cơm’ của bốn miệng ăn trong nhà,” anh Hà thành thật nói.
Nhằm từng bước giúp kiểm soát khí thải phương tiện xe máy, giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa đề xuất thành phố Hà Nội chấp thuận chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo khí thải và hỗ trợ đổi xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố.”
Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy; trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000 và trên 730.000 ôtô, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Khí thải từ các phương tiện này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.
Do đó, để thực hiện chương trình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận gồm Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông.
Khi người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2-4 triệu đồng/trường hợp.
Thời gian thí điểm theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội từ tháng 9-12/2020. Cuối năm 2020 sẽ tổng kết và báo cáo kết quả. Theo tính toán, trong thời gian này có khoảng 5.000 xe máy sẽ được đo kiểm khí thải. Các xe máy cũ, nát, không đảm bảo sau khi đổi xe máy sẽ được thu hồi và 100% không tái sử dụng theo quy định.
Vướng mắc ở cả khung pháp lý, kinh phí?
Nhìn nhận đây là chủ trương tốt, cần được ủng hộ vì không đơn thuần chỉ là kích cầu thị trường của các nhà sản xuất mà nó còn giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông, theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Ôtô Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất là nguồn tài chính hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy sẽ trích từ lợi nhuận để hỗ trợ.
“Với 100% người sử dụng xe cũ, nát là người nghèo trong khi một chiếc xe máy trung bình phải từ 15 triệu đồng trở lên thì mức hỗ trợ từ 2-4 triệu cũng chưa đủ để mua xe mới. Do đó, cần phải có thêm sự hỗ trợ cho chủ xe trả góp và không tính lãi trong thời gian nhất định để thực sự khuyến khích họ từ bỏ xe cũ nát. Cùng với đó, bản thân người đổi xe cũng phải có sự đóng góp ít nhất 20% vào giá trị xe mới,” ông Thanh gợi mở.
Ông Nguyễn Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đặt vấn đề cần làm rõ nguồn kinh phí thực hiện chương trình, đặc biệt là khoản hỗ trợ từ 2-4 triệu/xe máy thay mới là lấy từ đâu vì nếu lấy nguồn từ ngân sách thành phố là không hợp lý.
Đánh giá về chương trình phối hợp đổi xe máy cũ lấy xe mới, đại diện Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng nếu VAMM đề xuất và kinh phí được chi trả thì phía Hà Nội cũng rất nên thí điểm trong một khoảng thời gian để tổng kết, đánh giá.
“Kiểm soát khí thải xe gắn máy để giảm ô nhiễm môi trường cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra. Bộ Giao thông Vận tải đã giao Vụ Môi trường, Cục Đăng kiểm nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để triển khai nhưng đến nay vẫn rất khó khăn,” đại diện Vụ Môi trường thừa nhận.
Tuy nhiên, theo vị này, đề xuất lắp đặt 8 trạm kiểm tra khí thải xe máy theo chương trình của VAMM là rất hoan nghênh nhưng ông cũng đưa ra băn khoăn khi các trạm kiểm tra này sẽ căn cứ vào đâu để đánh giá xe có đạt tiêu chuẩn khí thải hay không bởi hiện nay chưa có quy chuẩn về khí thải với xe máy mà mới chỉ có Tiêu chuẩn Việt Nam?
Một chuyên gia giao thông cho rằng, Luật hiện hành và cả Luật giao thông đường bộ sửa đổi 2020 đang trình Quốc hội xem xét cũng không có quy định về niên hạn xe máy. Lực lượng cảnh sát giao thông chỉ có thể xử phạt khi các phương tiện này vi phạm an toàn giao thông. Trong trường hợp xe đầy đủ giấy tờ chứng minh là tài sản riêng, lực lượng chức năng không thể tịch thu hay loại bỏ.
“Với kinh phí đổi xe từ 2-4 triệu đồng, số lượng xe máy tham gia chương trình dự kiến là 5.000 xe sẽ cần tới 10-20 tỷ đồng. Tuy nhiên, giả sử để đổi hết khoảng 2,5 triệu xe, VAMM cần khoản tiền khoảng 5.000-10.000 tỷ đồng và đây là sẽ là số tiền rất lớn, phi thực tế,” vị chuyên gia này e ngại./.