Đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề, có 2 con gái

Tổng tỷ suất sinh tiếp tục giảm và được dự báo sẽ giảm sâu trong những năm tới. Bên cạnh đó, quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng.

 Theo kết quả điều tra biến động dân số ngày 1/4/2024, năm 2022 tổng tỷ suất sinh chỉ còn 2,01 con/phụ nữ, giảm so với mức 1,96 của năm 2023 và khoảng 1,91/phụ nữ vào năm 2024. Ảnh: Liêu Lãm.

Theo kết quả điều tra biến động dân số ngày 1/4/2024, năm 2022 tổng tỷ suất sinh chỉ còn 2,01 con/phụ nữ, giảm so với mức 1,96 của năm 2023 và khoảng 1,91/phụ nữ vào năm 2024. Ảnh: Liêu Lãm.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ trong Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm 2025, công bố Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2025 từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, sáng 11/7.

Tổng tỷ suất sinh tiếp tục giảm sâu

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh pháp luật Việt Nam quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân trên cơ sở bình đẳng. Quy định này là một trong những nội dung thể hiện rất rõ việc "trao quyền tự quyết về sinh sản".

"Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác dân số: tốc độ gia tăng dân số được kiểm soát, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thu nhập và mức sống được cải thiện, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên 74,7 tuổi vào năm 2024, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập", bà Lan nói.

Bên cạnh đó, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng. Công tác tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và chăm sóc người cao tuổi cũng ngày càng được củng cố và phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Cụ thể, tổng tỷ suất sinh tiếp tục giảm và được dự báo sẽ giảm sâu trong những năm tới. Theo kết quả điều tra biến động dân số ngày 1/4/2024, năm 2022 tổng tỷ suất sinh chỉ còn 2,01 con/phụ nữ, giảm so với mức 1,96 của năm 2023 và khoảng 1,91/phụ nữ vào năm 2024. Cùng với đó, quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng.

Tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế tuy nhiên chưa ổn định và vẫn ở mức cao so với cân bằng tự nhiên. Tình trạng mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên vẫn còn tồn tại ở một số vùng, đặc biệt nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tuổi thọ trung bình sống khỏe mạnh chỉ khoảng 65 tuổi. Chất lượng sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.

 Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi mít tinh. Ảnh: Trần Minh.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi mít tinh. Ảnh: Trần Minh.

Đề xuất có chế độ ưu đãi khi sinh con

Để ứng phó với các xu thế mới, Bộ Y tế đang tích cực hoàn thiện Luật Dân số mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035. Mục tiêu là đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe và bình đẳng cho mọi người dân, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển bền vững.

Cơ quan này đang đề xuất trong dự thảo Luật Dân số trình Chính phủ để trình Quốc hội có ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) có một số nội dung như ưu đãi về chế độ nghỉ thai sản; hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi sinh con; hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, sinh con khi sàng lọc trước sinh và sơ sinh; ưu tiên tiếp cận chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và các hỗ trợ khác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất ưu đãi tài chính hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật với gia đình sinh con một bề, có hai con gái; quy định các biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh phù hợp với mỗi địa phương và cả nước.

 Một trong những công dân đầu tiên trong năm 2025 chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: BVCC.

Một trong những công dân đầu tiên trong năm 2025 chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: BVCC.

Xây dựng và phát triển cơ sở hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi như cấp học bổng, học phí người học chuyên ngành lão khoa tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.

Quy định các biện pháp thực hiện việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đối với nam, nữ; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh. Bên cạnh đó, các biện pháp, chính sách hỗ trợ khác để thực hiện việc duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhấn mạnh không thể có phát triển bền vững nếu thiếu đi quyền tự quyết về sinh sản. Khi đảm bảo quyền được lựa chọn của mỗi người, cộng đồng sẽ được trao quyền, bình đẳng giới được thúc đẩy và tiềm năng thay đổi dân số sẽ được khai phóng.

Khép lại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan kêu gọi các Ban, Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, phân bổ ngân sách phù hợp cho công tác dân số, nhất là trong bối cảnh chính quyền địa phương hai cấp đang có những điều chỉnh về tổ chức.

Đồng thời, bà bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế, các tổ chức Liên Hợp Quốc và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, để Việt Nam ứng phó hiệu quả với xu thế mức sinh thấp, già hóa dân số nhanh và bảo vệ quyền sinh sản của mọi người dân.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/de-xuat-ho-tro-tien-cho-gia-dinh-sinh-con-mot-be-co-2-con-gai-post1567729.html