NSND Vương Duy Biên 'có thêm' chức mới

Chiều ngày 11.7, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội), Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) đã được tổ chức Đại hội thành lập – Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Tham dự Đại hội có ông Lê Tiến Thọ nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL; Chủ tịch các hội: Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Âm nhạc, Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam… cùng nhiều đại diện các Bộ, ngành Trung ương, địa phương; các tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu, và đông đảo nghệ sĩ, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, truyền thông, công nghệ...

Toàn cảnh Đại hội

Toàn cảnh Đại hội

Hiệp hội được thành lập theo Quyết định số 541/QĐ-BNV ngày 30.5.2025 của Bộ Nội vụ, với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc, tập hợp các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, công nghệ, giáo dục, doanh nghiệp, đầu tư... nhằm kết nối nguồn lực, xúc tiến chính sách, phát triển thị trường và hệ sinh thái công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Hoạt động của Hiệp hội trên phạm vi toàn quốc, nhằm kết nối các cá nhân, doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý và nhà đầu tư trong hệ sinh thái Công nghiệp văn hóa.

NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

Phát biểu tại Đại hội, NSND Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Đây là một cột mốc lịch sử, không chỉ với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật mà còn với toàn xã hội, khi văn hóa được đặt vào đúng vai trò trụ cột: vừa là nền tảng tinh thần của dân tộc, vừa là nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Hiện nay, cả nước có khoảng 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sử dụng hơn 3 triệu lao động, đóng góp khoảng 7% GDP. Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM đã ban hành nghị quyết, chính sách riêng để hỗ trợ phát triển ngành.

Đoàn chủ tịch biểu quyết tại Đại hội

Đoàn chủ tịch biểu quyết tại Đại hội

Luật Thủ đô 2025 cũng lần đầu tiên xác lập những ưu đãi rõ ràng về thuế, đất đai, tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp văn hóa – mở ra kỳ vọng lớn cho sự bứt phá.

Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn phân tán, manh mún và thiếu một đầu mối tổ chức có tầm vóc quốc gia. Đó chính là lý do Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam ra đời – NSND Vương Duy Biên cho biết.

NSND Vương Duy Biên cũng cho rằng: “Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu chỉ đặt trên đôi vai nghệ sĩ. Nó cần được nâng đỡ bởi doanh nhân sáng tạo, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia công nghệ, nhà quản lý giỏi… và cả sự tham gia của cộng đồng.

Ban chấp hành ra mắt Đại hội

Ban chấp hành ra mắt Đại hội

Hiệp hội là nơi quy tụ tất cả – một liên minh sáng tạo Việt Nam, nơi mà nghệ thuật – tri thức – công nghệ – thị trường cùng chung tay vì một mục tiêu: Phát triển công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột kinh tế và năng lực mềm quốc gia”.

Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam được định vị là một tổ chức có vai trò cầu nối chiến lược giữa các nghệ sĩ, doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư trong toàn bộ hệ sinh thái công nghiệp văn hóa.

46 đại biểu đã được Đại hội bầu vào Ban chấp hành nhiệm kỳ đầu tiên

46 đại biểu đã được Đại hội bầu vào Ban chấp hành nhiệm kỳ đầu tiên

Sứ mệnh cốt lõi của Hiệp hội là phát huy tối đa vai trò của văn hóa như một sức mạnh mềm quốc gia, đồng thời chuyển hóa văn hóa thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.

Với tầm nhìn trở thành tổ chức đầu mối quốc gia thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách chuyên nghiệp – sáng tạo – hội nhập – bền vững, Hiệp hội xác lập các giá trị cốt lõi gồm: Sáng tạo – Bản sắc – Kết nối – Khởi tạo thị trường – Phát triển bền vững.

Danh sách Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp hội

Danh sách Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp hội

Hiệp hội sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ chiến lược như: kết nối hệ sinh thái ngành, đề xuất chính sách, xúc tiến thị trường, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Tại Đại hội thành lập, Hiệp hội đã chính thức thông qua Điều lệ hoạt động và bầu Ban chấp hành, gồm 46 ủy viên. Đồng thời, Đại hội cũng bầu ra các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2025–2030, bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban Kiểm tra và Tổng Thư Ký.

NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội.

HIỀN NGUYỄN, ảnh: HUYỀN THƯƠNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/nsnd-vuong-duy-bien-co-them-chuc-moi-151315.html