Đề xuất kéo dài cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh thêm một năm

Tán thành việc kéo dài thực hiện Nghị quyết số 54, song cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần làm rõ lý do, tính thuyết phục để áp dụng việc kéo dài thực hiện cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 21/10, đại diện Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Thành phố tiếp tục thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương đến hết 2023.

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đơn cử, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015. Vượt qua 2 năm COVID, những tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố tiếp tục hồi phục, bình quân 6 tháng đạt 3,82%.

Cùng với đó, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Ngoài ra, theo đánh giá của Thành phố Hồ Chí Minh, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết 54, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan trung ương thẩm định.

Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Nêu thêm những thuận lợi, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Tuy nhiên, đại diện Chính phủ cũng chỉ ra nhiều tồn tại, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án trung ương trên địa bàn...

Hơn nữa, một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều...

Với mục tiêu hàng năm huy động thêm nguồn lực 40.000 đến 50.000 tỷ đồng/năm cho đầu tư phát triển của thành phố, tuy nhiên, thực tế giai đoạn 2018-2022, mới chỉ có nguồn từ thưởng và đầu tư trở lại từ ngân sách Trung ương (1.654 tỷ đồng), thu từ cổ phần hóa và thoái vốn (1.786,6 tỷ đồng), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (2.800 tỷ đồng)... còn các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện.

Những hạn chế trên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, về khách quan là các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài...

Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, Thành phố Hồ Chí Minh dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, nên thực tế không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

“Về chủ quan, khi xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách, thành phố gặp phải khó khăn, thách thức phát sinh, chẳng hạn trong việc xây dựng cơ chế chính sách mới về thu ngân sách. Công tác triển khai một số nội dung thuộc trách nhiệm của thành phố chậm, như cổ phần hóa, thu hút nhân tài..”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.

TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ÁP DỤNG CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG KHÁC

Về phía cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc tổng kết Nghị quyết 54 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Thành phố Hồ Chí Minh mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước.

Với yêu cầu đó, ông Nguyễn Phú Cường đề nghị cần nhận diện thẳng thắn những khó khăn, hạn chế do tổ chức thực hiện, trong đó chỉ rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của thành phố phải xử lý (như triển khai giải phóng mặt bằng, triển khai dự án…), hay những vướng mắc do cơ chế phối hợp, không chỉ phụ thuộc vào thành phố mà liên quan đến nhiệm vụ của các bộ ngành (như vấn đề sắp xếp lại cơ sở nhà đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư…) cần nêu rõ địa chỉ cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14. (Ảnh: TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14. (Ảnh: TTXVN)

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá trách nhiệm của thành phố, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, của Chính phủ, của Quốc hội trong quá trình đưa Nghị quyết vào cuộc sống, theo đó làm rõ những mặt tích cực trong thực hiện trách nhiệm và cả những tổ chức, cá nhân chưa làm đúng trách nhiệm (nếu có).

Cho rằng việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 là cần thiết, song Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện.

Hơn nữa, Chính phủ cần dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu tiếp tục thực hiện thêm 1 năm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID-19, Báo cáo cần chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện.

Trong báo cáo, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, chỉ có thêm 1 năm để thực hiện và là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện.

“Có ý kiến đề nghị cho phép kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 để bù lại tương ứng 2 năm không triển khai được chính sách thí điểm do ảnh hưởng của dịch COVID-19”, ông Nguyễn Phú Cường nói.

Ngoài ra, dẫn Nghị quyết 54 về cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ, đại diện Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đây là quy định rất mở so với quy định của Luật ngân sách Nhà nước nhằm tạo sự chủ động cho thành phố, trường hợp áp dụng có hiệu quả, cần nghiên cứu, đề xuất đề nghị sửa đổi quy định pháp luật theo đúng quy định tại Nghị quyết số 54./.

Quảng-Hạnh (Vietnam+)

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/thoi-su/de-xuat-keo-dai-co-che-dac-thu-cho-thanh-pho-ho-chi-minh-them-mot-nam-141299