Không có trái phiếu chậm trả phát sinh mới trong tháng 10
Tính đến cuối tháng 10, tỷ lệ chậm trả gốc/lãi toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp không có thay đổi so với tháng 9. Cũng trong tháng, không ghi nhận trái phiếu chậm trả phát sinh mới. Lượng phát hành mới trong tháng giảm tỷ lệ tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức 'dưới trung bình' hoặc yếu hơn đã cải thiện so với tháng trước đó.
Trái phiếu doanh nghiệp: Ngân hàng dẫn đà phục hồi Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ chất lượng, minh bạch hơn Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Tăng sức hút vốn ngoại vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới nhất của Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trong tháng 10/2024, không có thêm trái phiếu nào chậm trả phát sinh. Trong 10 tháng qua, tổng giá trị trái phiếu chậm trả mới chỉ đạt 16.600 tỷ đồng, giảm mạnh so với 137.600 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ chậm trả lũy kế cuối tháng 10/2024 duy trì ở mức 14,9%, với nhóm ngành năng lượng có tỷ lệ cao nhất (45%) và bất động sản nhà ở chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả.
Tháng 11 này, trong 42 trái phiếu đến hạn, có 14 trái phiếu được đánh giá có nguy cơ chậm trả gốc, tương đương 33% tổng số trái phiếu đáo hạn tháng này, cao hơn mức 10,5% trong 10 tháng qua.
Các chuyên gia từ VIS Rating dự báo trong vòng 12 tháng tới, khoảng 109.000 tỷ đồng trái phiếu thuộc nhóm bất động sản nhà ở sẽ đến hạn, trong đó 30.000 tỷ đồng có nguy cơ chậm trả.
Về tình hình xử lý trái phiếu chậm trả, trong tháng 10/2024, có 13 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực bất động sản nhà ở, năng lượng, và du lịch - nghỉ dưỡng đã hoàn trả tổng cộng 269 tỷ đồng tiền gốc cho trái chủ.
Đáng chú ý, 50% trong số này là từ một doanh nghiệp thuộc nhóm năng lượng, trước đó từng chậm trả lãi trong các năm 2022 và 2023. Tỷ lệ thu hồi các trái phiếu chậm trả đã tăng nhẹ lên 21,5% vào cuối tháng.
Lượng phát hành trái phiếu mới trong tháng 10/2024 giảm còn 28.100 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 56.200 tỷ đồng của tháng 9. Các ngân hàng thương mại chiếm phần lớn đợt phát hành mới, với 15.800 tỷ đồng, trong đó 20% là trái phiếu cấp 2 do các ngân hàng như: Ngân hàng Công Thương, TPBank, Lộc Phát, và Bắc Á phát hành.
Trái phiếu cấp 2 này có kỳ hạn 7-15 năm, lãi suất 6,5%-7,9% năm đầu. Phần còn lại là trái phiếu không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định từ 5%-6%.
Ngoài ra, một tổ chức thuộc nhóm cơ sở hạ tầng và một tổ chức thuộc nhóm ngân hàng phát hành công khai với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng. Từ đầu năm, các đợt phát hành công chúng chiếm 11,5% tổng lượng phát hành mới.
Về tín nhiệm của các tổ chức phát hành, tháng 10/2024 có 11% tổ chức phát hành ở mức tín nhiệm “dưới trung bình” hoặc thấp hơn, cải thiện so với 24% của tháng trước. Các tổ chức có tín nhiệm yếu tập trung trong nhóm phi tài chính, với hệ số đòn bẩy và khả năng trả nợ ở mức “cực kỳ yếu”.
Từ đầu năm, 56% tổ chức phát hành tín nhiệm yếu thuộc nhóm bất động sản nhà ở và xây dựng, nhiều trong số này là công ty mới thành lập, chưa có hoạt động kinh doanh chính. Một số tổ chức tài chính nhỏ, bao gồm ngân hàng, công ty tài chính, và chứng khoán phát hành trái phiếu năm 2024 cũng bị xếp hạng tín nhiệm thấp do khả năng thanh toán và tính thanh khoản kém.
Ngoài ra, trên thị trường thứ cấp, trong tháng 10/2024, thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng lên mức 10%, mức cao nhất trong 10 tháng qua. Giao dịch tập trung chủ yếu vào trái phiếu do các ngân hàng và công ty bất động sản phát hành, chiếm 75% tổng khối lượng, với kỳ hạn từ 1 đến 3 năm. Lợi suất trung bình của trái phiếu ngân hàng có tín nhiệm "Trên trung bình" duy trì ổn định ở hầu hết các kỳ hạn, không thay đổi nhiều so với tháng trước./.