Đề xuất khắc phục tình trạng thao túng đấu giá đất

Nhiều đề xuất được đưa ra như hạn chế giao dịch của người trúng hay nâng giá khởi điểm ngang với giá thị trường và có hình thức phạt nếu bỏ cọc, đánh thuế sở hữu BĐS thứ 2…

Hai cuộc đấu giá đất ở Thanh Oai (ngày 10/8) và Hoài Đức (ngày 19/8) đang gây xôn xao dư luận khi giá trúng gấp 8 đến 18 lần giá khởi điểm.

Giá khởi điểm thấp khiến tiền đặt cọc thấp được coi là kẽ hở lớn nhất. Ở Thanh Oai, trong khi giá thị trường khoảng 30 triệu đồng/m2, giá khởi điểm của 68 lô đất chỉ từ 7-8 triệu đồng/m2. Để tham gia đấu giá, người mua chỉ cần cọc 100-200 triệu đồng/lô, khiến cho cuộc đấu giá có tới hơn 1.500 người tham gia, 4.000 hồ sơ đủ điều kiện. Tuy nhiên, về luật, việc định giá khởi điểm không sai.

Rất nhiều người tham gia đấu giá.

Rất nhiều người tham gia đấu giá.

Ông Nguyễn Công Quảng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Oai, cho biết: "Nghị định 71 hiện tại có hiệu lực với phương pháp tính trước đây. Trước đây chúng ta xác định giá khởi điểm dựa vào tư vấn và các tài sản so sánh đưa ra. Trước đây chúng tôi đã thuê tư vấn, biết giá của khu đất đấu giá vào khoảng 40-45 triệu/m2 chứ không phải từ 6,8-12,6 triệu/m2".

Với bất kỳ cuộc đấu giá nào, luôn có một nguyên tắc là không để quá nhiều người với năng lực tài chính không đủ tham gia. Nhìn lại 2 cuộc đấu giá đất tại Thanh Oai và Hoài Đức, thấy rõ nguyên tắc này không được thực hiện, bởi chưa quản lý thu nhập và thuế của cá nhân nên không thể xác định năng lực tài chính của từng người. Vậy nên việc đặt cọc cao được những người trong cuộc đặt ra và coi đó như là sự thanh lọc cho quyền đấu.

Nhiều người chỉ đủ năng lực đặt cọc, sau đó rao bán lấy chênh lệch.

Nhiều người chỉ đủ năng lực đặt cọc, sau đó rao bán lấy chênh lệch.

Vị trí các khu đất được đấu giá vừa qua mới đang ở giai đoạn hoàn thiện hạ tầng, xa trung tâm nên chưa thể đem cho thuê để có được dòng tiền. Nói cách khác, mục tiêu của các khu đất này hướng tới việc ổn định đời sống, an cư cho người dân địa phương. Vậy nhưng người bỏ giá trúng cao hầu hết đến từ các địa phương khác nên mục đích “mua bằng được” của họ không phải để ở, để kinh doanh… mà mua để bán sang tay kiếm lời hoặc mục đích khác.

Để hạn chế tình trạng này, có đề xuất rút ngắn hiệu lực hợp đồng trúng chỉ còn vài ngày thay bằng 1 tháng như hiện nay, để người trúng đấu giá phải chuẩn bị sẵn sàng tài chính cũng như không còn thời gian để rao bán thửa đất.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn: "Nên ghi rõ thời gian hết hiệu lực và ngắn. Đến thời hạn không thanh toán tiền mua sẽ lập tức chuyển sang đợt sau và mất tiền đặt cọc, thì lập tức sẽ không còn ai mạo hiểm nữa".

Để khắc phục tình trạng thao túng khi đấu giá đất, nhiều ý kiến khác được đưa ra, như: hạn chế giao dịch của người trúng ít nhất 1 năm nhằm giảm lượng nhà đầu tư tham gia với mục đích lướt sóng, bán sang tay kiếm lợi nhuận; hay nâng giá khởi điểm ngang với giá thị trường và có hình thức phạt gấp 2-3 lần nếu bỏ cọc để sàng lọc người không có nhu cầu thật tham gia đấu giá; hoặc yêu cầu chứng minh tài sản trước khi tham gia đấu giá. Và xa hơn là nghiên cứu việc đánh thuế sở hữu bất động sản thứ 2…

Liên Phương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/de-xuat-khac-phuc-tinh-trang-thao-tung-dau-gia-dat-260926.htm