Đề xuất không cần nộp giấy 'xác nhận độc thân' khi kết hôn
Bộ Tư pháp cho rằng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân dùng cho nhiều mục đích nên ở thời điểm hiện tại chỉ có thể bỏ việc nộp giấy này ở khâu kết hôn.
Bộ Tư pháp vừa qua đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
Tình trạng hôn nhân được tra cứu trong cơ sở dữ liệu
Theo Tờ trình, tại Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 4-7-2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân, cụ thể gồm: (1) Bãi bỏ thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; (2) Bỏ quy định về xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn) tại thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài; (3) Bỏ quy định nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) tại thủ tục Đăng ký kết hôn, Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Thực thi nội dung này, tại dự thảo Nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2015, Bộ Tư pháp đã thực hiện một số nội dung:
Thứ nhất, bỏ quy định về xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn) tại thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, bổ sung quy định về việc tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của cha, mẹ trẻ trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch (CSDLHT), Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC).
Thứ hai, bỏ quy định nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (hay nhiều người vẫn gọi là giấy xác nhận độc thân để được kết hôn), Trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) tại thủ tục Đăng ký kết hôn, Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Đồng thời, bổ sung quy định về việc tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân từ CSDLHT, CSDLQGVDC của các bên yêu cầu đăng ký kết hôn.
Theo phương án này, đối với yêu cầu đăng ký kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn trong CSDLHT, thông qua kết nối giữa CSDLHT điện tử, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với CSDLQGVDC. Trường hợp không tra cứu được tình trạng hôn nhân do chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu, thì cơ quan đăng ký hộ tịch đề nghị UBND cấp xã nơi người yêu cầu thường trú thực hiện việc xác minh.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh, UBND cấp xã đã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và gửi kết quả cho UBND cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.
Ngoài ra, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài mà trong các CSDL không thể hiện rõ thông tin về việc đã ghi chú ly hôn, hủy việc kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn trước khi giải quyết việc đăng ký kết hôn.
Chưa thể bỏ thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp đề xuất bỏ quy định “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”.
Đề xuất này xuất phát từ yêu cầu của Chính phủ về bãi bỏ thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại Nghị quyết 58 nêu trên.
Bộ Tư pháp cho biết, qua tổng hợp ý kiến của một số cơ quan Trung ương và địa phương, đa số các ý kiến thống nhất không nên bỏ thủ tục này tại thời điểm hiện tại.
Theo Bộ Tư pháp, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ngoài mục đích sử dụng để đăng ký kết hôn còn sử dụng vào các mục đích khác ở trong nước (thủ tục du học, vay vốn, lao động...) hoặc sử dụng để đăng ký kết hôn, làm các thủ tục có liên quan tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (bảo lãnh, xin cấp visa...).
Trong khi, không phải tất cả cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đều có thẩm quyền khai thác thông tin tình trạng hôn nhân từ CSDLHT điện tử hoặc CSDLQGVDC; các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cũng không thể và không được quyền tra cứu thông tin tình trạng hôn nhân của người dân trong CSDLHT điện tử, CSDLQGVDC.
Bên cạnh đó, trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, thì việc tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân từ các CSDL ở thời điểm hiện tại không thực hiện được do các Cơ quan đại diện chưa sử dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp, nếu không có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì Cơ quan đại diện sẽ không có căn cứ để giải quyết yêu cầu kết hôn cho công dân.
"Để tránh gây xáo trộn, đồng thời, vẫn đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, dự thảo Nghị định được thiết kế theo hướng: Bỏ quy định nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong thủ tục đăng ký kết hôn/đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, giữ nguyên quy định về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để công dân sử dụng vào các mục đích khác hoặc sử dụng để đăng ký kết hôn tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài", theo Bộ Tư pháp.
Không còn phải phải "lên rừng xuống biển" để được kết hôn
Hiện nay, Nghị định 123/2015 quy định, người muốn đăng ký kết hôn phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Để xin giấy này, công dân nộp tờ khai tại UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú.
Trường hợp người yêu cầu đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.
Dù vậy, trên thực tế để xin cấp xác nhận tình trạng hôn nhân, nhiều người vẫn phải “lên bờ xuống ruộng”.
Trao đổi với PLO, chị Đào Hà (TP.HCM) cho biết hồi đầu năm 2023 chị làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi còn bé chị có hộ khẩu ở Đắk Lắk, sau đó thì theo gia đình vào TP.HCM sinh sống. Do đó, chị được hướng dẫn phải xin xác nhận tình trạng hôn nhân ở cả hai nơi. Việc đi lại giữa Đắk Lắk - TP.HCM tốn của chị khá nhiều thời gian, chi phí, lên xuống rất nhiều lần.
Chị Hà lại còn gặp cảnh trớ trêu là chị có nửa tháng không có nơi đăng ký thường trú vì đã cắt khẩu ở Đắk Lắk nhưng chưa vào sổ nhập khẩu ở TP.HCM. Thế là lại phải lên xuống để làm cam đoan trong những ngày này chưa từng kết hôn với ai.
Do đó, theo chị Hà, việc bỏ thủ tục phải xin xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp vì giờ thông tin đã có hết trong cơ sở dữ liệu.
Cùng cảnh ngộ, anh Lê Dũng (Vũng Tàu) cho biết, anh từng đăng ký thường trú nhiều nơi, mỗi khi xin xác nhận độc thân thì phải "lên rừng xuống biển" mấy vòng, khá vất vả. Trong khi đó, giấy này chỉ có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.
"Hy vọng sau này không chỉ bỏ xác nhận tình trạng hôn nhân trong việc kết hôn mà cả những mục đích khác sẽ dần dần được bãi bỏ để thuận lợi hơn cho người dân", anh Dũng nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-khong-can-nop-giay-xac-nhan-doc-than-khi-ket-hon-post798533.html