'Đề xuất không lái xe liên tục quá 3 giờ ban đêm chưa phù hợp'
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, đề xuất quy định thời gian lái xe liên tục không được quá 3 tiếng trong khung giờ từ 22h hôm trước tới 6h hôm sau của Bộ Giao thông Vận tải là chưa phù hợp.
Dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến người dân. Với phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, cơ quan soạn thảo đề xuất giờ làm việc của lái xe một ngày không quá 8 tiếng, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng, riêng ban đêm không quá 3 tiếng.
Đề xuất này được điều chỉnh so với Điều 65 Luật Giao thông đường bộ hiện hành - thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải không được quá 10 giờ trong một ngày, không lái xe liên tục quá 4 giờ.
Thời gian qua, cả nước xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vào khung giờ đêm liên quan đến xe khách, xe tải nên một số chuyên gia giao thông đề xuất giảm thời gian lái xe vào ban đêm.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho thấy 80% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, không chú ý quan sát gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khoảng 40% vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (từ 0h đến 6h). Thời điểm này đường vắng, lái xe chạy tốc độ cao và thường chủ quan, mệt mỏi, điều khiển xe trong trạng thái buồn ngủ. "Việc nghiên cứu giảm thời gian lái xe liên tục, tăng nghỉ ngơi cho tài xế trong khung giờ ban đêm là rất cần thiết", đại diện Cục Đường bộ Việt Nam giải thích.
Mặt khác, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách, xe tải có tỷ lệ thấp hơn so với xe máy, nhưng khi xảy ra lại rất nguy hiểm do chở nhiều người. Do đó, cơ quan soạn thảo cho rằng cần kiểm soát chặt và tạo điều kiện để tài xế có sức khỏe, tỉnh táo khi chạy xe, ngăn chặn tai nạn giao thông.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, thời gian lái xe làm việc được giám sát thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình được các doanh nghiệp ghi nhận và truyền về Cục Đường bộ. Ban soạn thảo cho biết tại Trung Quốc, thời gian lái xe liên tục vào ban ngày không quá 4 giờ, ban đêm không quá 2 giờ và thời gian nghỉ ngơi cho mỗi lần dừng không dưới 20 phút. Xe khách không được chạy vào ban đêm trên một số tuyến đường có tiêu chuẩn di chuyển an toàn thấp.
Cần nghiên cứu thêm về đề xuất
Trao đổi với Doanhnhanvn.vn, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Đường bộ điều chỉnh thời gian lái xe liên tục từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau có nhiều điểm bất hợp lý.
Nguyên nhân là người vận tải chuyên nghiệp thường làm thủ tục giao nhận hàng vào ban ngày. Ban đêm xe tải hoạt động nhiều vì khung giờ này đường vắng, xe chạy thông suốt, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm nguy cơ va chạm giao thông và độ hao mòn lốp.
Theo ông, nếu quy định này ban hành sẽ có một lượng đáng kể xe chạy khung giờ 22h-6h chuyển sang 6h-22h để tài xế được chạy liên tục 4 giờ. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông.
Đề xuất thời gian lái xe trong ngày không quá 8 giờ cũng không được Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đồng tình vì "Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định lái xe không quá 10 giờ trong ngày là phù hợp". Nếu điều chỉnh quy định thời gian lái xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ như dự thảo sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
"Với quy định hiện hành, nhiều chuyến xe chỉ cần 1-2 tài xế, nhưng theo đề xuất mới phải bố trí 2-3 người. Điều này khó khả thi vì hiện khó tuyển dụng lái xe đường dài và điều này cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp vận tải", ông Quyền nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết thêm, qua tham khảo các nước như Malaysia, Úc, Mỹ và các nước châu Âu thì không có nước nào quy định khung giờ từ 10h đêm đến 6h sáng phải giảm thời gian lái xe đối với tài xế.
Do đó, ông Quyền cho rằng vẫn nên áp dụng quy định hiện hành. Điều 65 Luật Giao thông đường bộ hiện hành - thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải không được quá 10 giờ trong một ngày, không lái xe liên tục quá 4 giờ đã được áp dụng mấy chục năm và đã đi vào cuộc sống của giới lái xe cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải....
Cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp
Là một người lái xe lâu năm, anh Mã Văn Trình (33 tuổi, quê Lộc Bình - Lạng Sơn), làm nghề tài xế xe container chuyên chở hoa quả từ TP HCM lên Lạng Sơn và chở hàng ngược lại chia sẻ với Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam: Thực ra đề xuất thì cứ đề xuất vậy nhưng để thực hiện được cũng còn phải rất lâu. Hiện tại, những chuyến hàng như tôi được khoán chỉ một mình một xe đi từ Lạng Sơn vào TP HCM giới hạn trong 3 ngày phải vào tới nơi. Trên đường đi, lúc nào mệt tôi dừng lại nghỉ, khỏe rồi lại đi tiếp và tiếp diễn như vậy không vấn đề gì.
Nếu quy định chỉ được lái liên tục 3 tiếng về đêm sẽ rất khó cho cánh lái xe, như tôi nhiều khi ban ngày nghỉ ngơi nhiều hơn, tối vắng xe hơn nên đi lại dễ đối với những xe đặc thù là xe đầu kéo. Nếu quy định bắt buộc thì sẽ phải bổ sung thêm tài xế và một xe sẽ phải cần 2-3 tài xế gây lãng phí và không cần thiết. Hơn nữa, quy định không quá 3 tiếng lái xe thì phải nghỉ và nghỉ bao lâu? Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến quá trình giao hàng. Như hàng đông lạnh chẳng hạn, chỉ được 3 ngày phải giao nhưng vì quy định phải đi chậm hơn và đến nơi giao muộn cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Do đó, đề xuất lái xe chỉ được lái 3 tiếng liên tục trong đêm là bất hợp lý.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải lớn, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) chia sẻ với Doanhnhanvn.vn: Đề xuất đưa ra cũng là hợp lý nhưng vẫn phải dựa trên thực tế. Ở nước ta hiện nay, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu như đường nhỏ, hay còn tình trạng tắc đường. Ví dụ, lái xe khi đi qua các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM thì hay bị tắc đường ở các cửa ngõ ra vào. Nếu trong trường hợp tắc đường phải lái xe quá 3 tiếng đồng hồ thì phải làm thế nào? có phải nghỉ không? hay phải dừng bao lâu để được tiếp. Tất nhiên, ban đêm sẽ đỡ tắc đường hơn và là thời điểm các tài xế xe đường dài thường lựa chọn chở hàng đi xa...
Nhưng nếu quy định không lái quá 3 tiếng trong đêm thì phải xây dựng ở góc độ quản lý trước. Ai sẽ là người giám sát tài xế và xử phạt ra sao? doanh nghiệp giám sát hay nhà nước? điều này vô hình tạo nên sự lộn xộn nhất định, nếu giao cho doanh nghiệp tự giám sát và xử lý đương nhiên họ sẽ tìm cách "lách luật". Hay quy định không quá 3 tiếng lái xe liên tục nhưng có giới hạn km không? nhiều lúc tắc đường đi được có 1-2 km thì sao? phải xử lý như thế nào? Do đó, tôi cho rằng cần xây dựng quản lý trước và quy định sau. Dù sao thì đề xuất thì vẫn phải ủng hộ nhưng cần phải hài hòa và hợp lý đối với cả tài xế lái xe, doanh nghiệp và Nhà nước.
Theo khoản 12 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP (bổ sung khoản 8 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ) có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, việc lắp thiết bị giám sát hành trình tích hợp camera là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các xe kinh doanh vận tải.
Dữ liệu về thời gian lái xe liên tục của các tài xế sẽ được tổng hợp theo từng tháng, những trường hợp vi phạm quá thời gian lái xe liên tục sẽ được gửi về các sở giao thông vận tải địa phương để làm cơ sở xử lý.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp giám sát thời gian lái xe của các tài xế thông qua thiết bị giám sát hành trình trên xe. Từ đó nhắc nhở, cảnh báo nếu tài xế vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, phương tiện.