Đề xuất không phạt xe quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Đăng kiểm chỉ đạt khoảng 30%
Hiện nay, các đơn vị đăng kiểm phải dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra khiến việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, dẫn đến hiện tượng ùn tắc tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới xuất hiện trở lại và ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại Hà Nội, TP. HCM và một số các tỉnh thành…
Điều này làm tăng nguy cơ đứt gãy, thậm chí sụp đổ hệ thống, mất khả năng phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới của người dân, doanh nghiệp.
Theo tính toán, khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân chỉ đạt khoảng 40% ở Hà Nội và 50% ở TP.HCM, thậm chí có tháng chỉ đạt khoảng 30% ở cả hai thành phố trên.
Tình trạng chủ phương tiện phải xếp hàng chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt đăng kiểm, thậm chí người dân phải sang các tỉnh lân cận để xếp hàng chờ đăng kiểm, dù tổng thời gian kiểm tra xe chỉ mất khoảng 20-30 phút, khiến người dân rất mệt mỏi và bức xúc.
Không chỉ vậy, việc quá tải đăng kiểm cũng gây khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hàng hóa. Các chủ phương tiện đều chung nỗi lo bị xử phạt tiền và tước giấy phép vì hết hạn kiểm định mà vẫn lưu thông trên đường.
Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cố gắng hết sức điều động, huy động nhân lực, sử dụng cả các đăng kiểm viên đang được tại ngoại để duy trì hoạt động của các đơn vị đăng kiểm nhưng tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực đăng kiểm viên vẫn vô cùng căng thẳng.
Bộ GTVT đề xuất nhiều giải pháp
Để khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm xe ô tô, Bộ GTVT kiến nghị với Thủ tướng giao bộ này sớm sửa đổi Nghị định 139/2018 theo trình tự, thủ tục rút gọn để phù hợp với tình hình thực tế.
Trước mắt, trong thời gian xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, Bộ kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ô tô.
Cụ thể, mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra; giảm thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định; không giới hạn công suất dây chuyền kiểm định để phát huy hết năng lực của đơn vị đăng kiểm; cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động (thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng theo quy định tại Điều 10, Nghị định 139) được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm; các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô được phép hoạt động kiểm định xe ô tô.
Các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và các trang thiết bị, nhân lực đáp ứng QCVN 103:2019/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới) được phép kiểm định xe ô tô do doanh nghiệp mình sản xuất, lắp ráp.
Cùng với đó, đề nghị cho hoạt động trở lại các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động nhưng chưa hết thời hạn tạm đình chỉ nếu đã đáp ứng được các điều kiện của Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
Trong báo cáo này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải. Quy định này nhằm gỡ cho các phương tiện hết hạn đăng kiểm không quá nửa tháng nhưng chưa được kiểm định do các trung tâm đăng kiểm quá tải được lưu thông trên đường để đi kiểm định (thay vì cấm ra đường).
Các kiến nghị này nếu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận, Bộ GTVT sẽ phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân; phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có kế hoạch sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới, đồng thời nghiên cứu, cập nhật bổ sung vào nội dung Nghị định sửa đổi.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: người điều khiển ôtô (kể cả xe rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) có giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện quá hạn dưới 1 tháng sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng; quá hạn trên 1 tháng 4-6 triệu đồng.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện quá hạn đăng kiểm cũng sẽ phải chịu mức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Chủ phương tiện biết hết hạn kiểm định nhưng vẫn giao xe cho người khác hoặc sử dụng tham gia giao thông cũng sẽ bị xử phạt.
Cụ thể, nếu chủ xe là cá nhân, quá hạn đăng kiểm dưới 1 tháng mức phạt 4-6 triệu đồng và trên 1 tháng mức phạt 6-8 triệu đồng.
Nếu chủ xe là tổ chức, trường hợp phương tiện quá hạn đăng kiểm dưới 1 tháng mức phạt 8-12 triệu đồng và trên 1 tháng mức phạt 12-16 triệu đồng.