Đề xuất không tổ chức Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao
Theo dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất kết thúc hoạt động của Cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao.
Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi. Dự thảo này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Đáng chú ý, trong dự thảo này, cơ quan soạn thảo đề xuất kết thúc hoạt động của Cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân Tối cao, bao gồm cả Cơ quan điều tra thuộc VKS Quân sự Trung ương.

Ảnh minh họa.
Đối với cơ quan điều tra của Công an nhân dân, dự thảo quy định 2 đơn vị gồm Cơ quan An ninh điều tra và Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Trong đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có trách nhiệm điều tra các vụ án về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, hiện thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKS nhân dân Tối cao.
Về tổ chức cơ quan điều tra của Công an nhân dân, dự thảo đề xuất tổ chức cơ quan điều tra ở công an cấp tỉnh.
Theo Bộ Công an, các đề xuất sửa đổi nêu trên là để luật hóa những diễn biến thực tiễn đã vượt qua luật hiện hành, như việc Bộ Công an không còn công an cấp huyện.
Với cơ quan điều tra của quân đội, dự thảo vẫn duy trì Cơ quan An ninh điều tra (ở hai cấp gồm Bộ Quốc phòng, Quân khu) và Cơ quan Điều tra hình sự (ở 3 cấp là Bộ Quốc phòng, Quân khu, Khu vực).
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung thêm cơ chế để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập hoặc giải thể cơ quan điều tra của Quân đội nhân dân ở quân khu, khu vực mà không cần đợi đưa ra Quốc hội để sửa luật.
Ngoài ra, dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi còn đề xuất hoàn thiện thêm cơ sở pháp lý về thẩm quyền của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra và về các ngạch điều tra viên.
Theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 đang có hiệu lực thi hành, Cơ quan điều tra VKS nhân dân Tối cao và Cơ quan điều tra VKS Quân sự Trung ương có một số nhiệm vụ, quyền hạn như: Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Trong đó, người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.