Đề xuất kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất

Với tỷ trọng 29% GDP, khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức đã lớn vượt trội so với các khu vực khác như DNNN, FDI, kinh tế hộ gia đình để trở thành trụ cột lớn nhất trong GDP.

Động lực quan trọng nhất – một cách tiếp cận tươi mới

Phải thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu thẳng thắn như vậy tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân ngày 10/2.

Tinh thần này được ông Dũng đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị tổng kết ngành ngày 20/12/2024 nhưng lại nằm ở dòng cuối cùng trong 10 giải pháp, thể hiện cách tiếp cận khá dè dặt và cẩn trọng.

Hôm qua, “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất” được xuất hiện ở ngay đầu tiên trong bài trình bày, chứng tỏ đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận của chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân ngày 10/2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân ngày 10/2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bản thân Hội nghị cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, là nguồn động viên to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực mới, khí thế mới giúp doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá.

Kể từ Đổi mới 1986 mở đường cho kinh tế đa thành phần và đặc biệt là Luật Doanh nghiệp 1999, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã lớn mạnh không ngừng.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Kinh tế tư nhân hiện đóng góp vào gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm: Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Xin bổ sung thêm từ nguồn thống kê chính thức. Theo Niên giám Thống kê 2023, cơ cấu GDP theo giá hiện hành bao gồm kinh tế Nhà nước (20,54%), kinh tế ngoài nhà nước (50,46%) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (20,45%).

Trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, khu vực kinh tế cá thể (kinh tế hộ gia đình) chiếm khoảng 21%, nên rõ ràng phần lớn còn lại 29% là do đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Hay nói cách khác, với tỷ trọng 29% GDP, khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức đã lớn vượt trội so với các khu vực khác như DNNN, FDI, kinh tế hộ gia đình để trở thành trụ cột lớn nhất trong GDP. Đây là thực tiễn của nền kinh tế hôm nay nhờ thành quả của Đổi mới.

Cạnh tranh không bình đẳng

Về bản chất, kinh tế nhà nước bao gồm DNNN, tài sản công, tài nguyên quốc gia, tức là bao gồm các thành tố ngoài doanh nghiệp.

Trong khi đó, khu vực ngoài kinh tế ngoài nhà nước bao gồm các doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức và kinh tế hộ gia đình; khu vực doanh nghiệp FDI chỉ bao gồm các doanh nghiệp FDI.

Từ đó có thể thấy, về mặt lý luận, khái niệm “khu vực kinh tế” nhà nước là không tương đồng với khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực FDI về nội hàm và cấu trúc. Cách tiếp cận về thái độ chính sách, coi khu vực kinh tế nhà nước là “lực lượng chủ đạo” trong nền kinh tế đã khẳng định vị thế vượt trội của khu vực này so với các khu vực - thành phần kinh tế khác.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên giải thích: đặt các thành phần đó cạnh nhau như là những lực lượng cạnh tranh thị trường bình đẳng trở nên khiên cưỡng về vị thế, khập khiễng về cấu trúc thực lực vì một bên, khu vực tư nhân chỉ có các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vốn còn nhỏ bé và non yếu, còn một bên là lực lượng doanh nghiệp nhà nước, cùng toàn bộ tài sản, nguồn lực quốc gia, có thế và lực mạnh gấp bội.

Ông nhận xét, lực lượng chủ thể quan trọng bậc nhất trong kinh tế thị trường là doanh nghiệp tư nhân còn rất yếu, vẫn bị phân biệt đối xử, thậm chí bị kỳ thị.

Dựa vào năng lực nội sinh tiềm tàng

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao; ông đề nghị THACO nghiên cứu, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao; ông cũng đề nghị VinGroup làm tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ.

Những lời đề nghị này và hơn nữa bật đèn xanh cho thấy, vị thế, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân sẽ ngày được tăng cường trong sự phát triển của đất nước tới đây.

Tuy vậy, khu vực này vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; tư duy kinh doanh vẫn mang tính “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược. Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, tuy nhiên, chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng; chưa có các dự án quy mô đủ lớn, nhất là trong các lĩnh vực mới, có tính dẫn dắt để tạo động lực bứt phá, lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, sức mua thị trường còn yếu, phục hồi chậm. Việc triển khai một số dự án hạ tầng trọng điểm còn vướng mắc, chưa triệt để. Thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Một số giải pháp được đưa ra là tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Ngay trong năm 2025, phải thực sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản. Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, BOT, BT, giao thông, năng lượng tái tạo…, trước mắt, tập trung cho các dự án tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương lớn.

Những giải pháp này là chưa đủ. Những kiến nghị về giá điện, tín dụng, tiếp cận nguồn tài nguyên, ứng dụng AI,… của các doanh nghiệp tại Hội nghị cũng cần được tập trung tháo gỡ. Về lâu dài, cần tôn trọng quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, cần tháo gỡ sớm chính sách cấm doanh nhân nợ thuế xuất cảnh, giảm thiểu các vụ án liên quan đến doanh nhân,… để tạo lập niềm tin kinh doanh.

Tư Giang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-kinh-te-tu-nhan-la-dong-luc-quan-trong-nhat-2370315.html