Đề xuất làm cao tốc Bắc - Nam với 6-8 làn xe thay vì 4 làn
Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Lê Ngọc Hải đề nghị quy hoạch, bố trí xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ 4 làn xe thành 6 đến 8 làn để có tầm nhìn phát triển về lâu dài.
Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Lê Ngọc Hải đề nghị quy hoạch, bố trí xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ 4 làn xe thành 6 đến 8 làn để có tầm nhìn phát triển về lâu dài. Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh băn khoăn về nguy cơ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hết thời hạn thực hiện mà công trình chưa được triển khai, làm ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn hơn 72.000 tỷ đồng.
Chiều 6/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố tiến hành thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiến hành thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Quốc hội).
Cần quy hoạch lên 6-8 làn xe để phát triển lâu dài
Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu TP Đà Nẵng đồng tình việc thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo các đại biểu, đây là một chiến lược quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giảm áp lực cho các tuyến giao thông quốc gia.
Đại biểu Lê Ngọc Hải nhận định công trình là hành lang vận tải hết sức quan trọng, kết nối ba miền Bắc - Trung – Nam, tuy nhiên, ông còn băn khoăn về thời gian thi công mà Chính phủ trình từ 2022 đến 2024 là khó khả thi, vì công việc khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng rất phức tạp, qua nhiều công đoạn, do đó nên xác định lại thời gian ít nhất là 2025.
Vị đại biểu này cũng đề nghị quy hoạch, bố trí từ 4 làn xe thành 6 đến 8 làn để có tầm nhìn phát triển về lâu dài.
Danh mục các dự án thành phần tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. (Nguồn: Tờ trình của Chính phủ).
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu nguồn hỗ trợ để hình thành đường cao tốc qua bốn tỉnh Tây Nguyên cũng như kết nối tỉnh Bình Phước với TP HCM, giúp kết nối miền Trung – Tây Nguyên và phía Nam, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Trần Đình Chung cho rằng các đơn vị có liên quan cần có tính toán thiết kế đảm bảo tính lâu dài, phù hợp, tránh lãng phí, ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch phải có tính chiến lược, khớp nối với các đường nhánh dẫn vào đường Quốc lộ, đường mòn Hồ Chí Minh.
Đại biểu cũng đồng tình về việc xem xét lại thời gian thực hiện dự án, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng nhà thầu thi công dự án, rút kinh nghiệm từ những vụ việc xảy ra tại dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hay tuyến La Sơn – Túy Loan.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại, tham khảo các dự án tương tự để cân đối nguồn vốn cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả. Lưu ý xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, nâng giá, gây khó khăn ảnh hưởng tiến độ của dự án.
Băn khoăn về thời gian bố trí vốn hơn 72.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi KT-XH
Đại biểu thuộc Đoàn TP Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng và Kiên Giang cũng bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Nhất trí cao về sự cần thiết của chủ trương đầu tư dự án, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông và Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa bày tỏ băn khoăn về việc Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung cho dự án khoảng 72.497 tỷ đồng sẽ cân đối từ "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Quốc hội).
Theo các đại biểu, Chương trình có thời gian triển khai trong hai năm 2022-2023, việc sử dụng nguồn lực của Chương trình đáp ứng yêu cầu giải ngân nhanh sớm phát huy hiệu quả vào thúc đẩy phát triển. Trong khi các dự án thành phần của đường cao tốc phần lớn là dự án trọng điểm quốc gia, quy trình thủ tục triển khai chặt chẽ, từ khâu chuẩn bị dự án đến khi khởi công kéo dài 2-3 năm. Như vậy có nguy cơ Chương trình hết thời hạn thực hiện mà công trình còn chưa được triển khai, làm ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn.
Tờ trình có đưa ra nguyên tắc ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đầy tăng trưởng cho nền kinh tế, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, để sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, điều hòa sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó tập trung, ưu tiên nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho dự án.
Tuy nhiên, nguyên tắc điều hòa nguồn vốn giữa các dự án được Chính phủ đưa ra chưa có đánh giá đầy đủ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án, chưa có đánh giá cụ thể khả năng hấp thụ vốn đầu tư của các dự án dự kiến đầu tư trong năm 2024, 2025 được đẩy tiến độ đầu tư vào năm 2022, 2023, những vướng mắc trong việc sắp xếp lại nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cũng như nguồn vốn bổ sung chưa được bảo đảm chắc chắn khi tại thời điểm hiện nay, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa được Quốc hội thông qua, xác định cụ thể nguồn vốn dành cho các dự án giao thông.
Về vấn đề này, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo và đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung thông tin khả năng cân đối nguồn vốn này, những yếu tố ảnh hưởng có thể từ việc cân đối nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo nguyên tắc điều hòa sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn và bổ sung thông tin cụ thể về quy mô, nội dung và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công của Chương trình để làm cơ sở cho đề xuất.
Một nội dung khác của dự án là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tổng diện tích rừng chiếm dụng của dự án bao gồm, rừng phòng hộ khoảng 110 ha và rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Căn cứ quy định của Luật Lâm nghiệp, thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội. Do dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nên chưa thể xác định chính xác các thông số để hoàn thiện hồ sơ theo quy định để bảo đảm tiến độ dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với kiến nghị trên và cho rằng việc phân cấp này vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng và tránh phát sinh thêm chi phí đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đề nghị quan tâm đến sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; quan tâm đến năng lực của chính quyền địa phương trong thực hiện giải phóng mặt bằng tránh chậm trễ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành đối với dự án; cũng như có chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với những hộ dân có đất ở, đất sản xuất bị chia cắt trong quá trình giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân hay có sự chênh lệch quá lớn giữa các địa phương cùng thực hiện dự án.
Theo Tờ trình của Chính phủ báo cáo tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV, giai đoạn 2021-2025 dự kiến đầu tư 729 km trên các tuyến Bãi Vọt – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập theo hình thức đầu tư công.
Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ theo quy mô 4 làn xe bề rộng nền đường 17 m, toàn bộ các yếu tố kỹ thuật khác đáp ứng tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025, bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội đã bố trí 47.169 tỷ đồng, phần còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng) Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và từ nguồn vốn NSNN đã bố trí cho ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2021 - 2025.