Đề xuất làm đường gom, lắp đèn tín hiệu để đảm bảo ATGT đoạn QL5 qua ga Phạm Xá
Ngay sau khi Tạp chí GTVT có bài viết 'Video: Hãi hùng cả nghìn người 'đánh cược' tính mạng trên QL5 qua Hải Dương mỗi ngày', các cơ quan chức năng đã vào cuộc và đề xuất một số giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân qua đường.
Cụ thể, ngày 30/5, Xí nghiệp Xây dựng và bảo trì đường bộ, trực thuộc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI, đơn vị được giao khai thác, quản lý bảo trì tuyến QL5) đã cùng đại diện Ban ATGT tỉnh Hải Dương, chính quyền xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, Văn phòng QLĐB I.6 (Khu QLĐB I), Phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương… đã tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát vị trí mất ATGT tại Km67 + 450 QL5 theo phản ánh của Tạp chí GTVT. Trên cơ sở thực tế ghi nhận những bất cập và tình hình tham gia giao thông của người dân, đại diện các bên liên quan đã có những đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo ATGT tại vị trí nút giao này.
Theo ông Lưu Văn Ngự, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hải Dương, thực tế khảo sát cho thấy tình trạng phương tiện, người dân đi lại lộn xộn và yêu cầu đặt ra là phải tổ chức lại giao thông tại điểm mở khu vực ga Phạm Xá.
Cũng theo ông Ngự, quá trình khảo sát, đại diện chính quyền xã Tuấn Việt và Ban ATGT tỉnh đồng thuận kiến nghị mở rộng lề đường từ 2 – 3m, có dải phân cách, tạo thành một làn đường riêng biệt với QL5 để người dân đi lại cho thuận tiện, an toàn. Đồng thời, đề nghị VIDIFI mời tư vấn khảo sát, đưa ra phương án tổ chức giao thông tối ưu nhất.
"Phương án lắp đặt đèn tín hiệu giao thông theo tôi là hợp lý, để đảm bảo ATGT cho bà con sang đường, chứ mở lại điểm như trước thì không hợp lý vì 2 điểm gần nhau và người dân vẫn đi ngược chiều ở cả bên phải và trái tuyến", ông Ngự chia sẻ.
Ngoài ra, ông Ngự cũng đề nghị xã Tuấn Việt tăng cường tuyên truyền về các quy định khi tham gia giao thông trên hệ thống truyền thông của xã để người dân nâng cao nhận thức nhằm đảm bảo an toàn khi sang đường.
Trong khi đó, ông Phùng Quốc Thịnh, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và bảo trì đường bộ (trực thuộc VIDIFI) cho rằng, từ những năm 2015, điểm mở Km67 + 450 QL5 đã được đóng trước khi QL5 được giao về cho VIDIFI khai thác, quản lý, trên cơ sở kiến nghị của địa phương. Theo ông Thịnh, việc đóng điểm mở này là phù hợp vì ngay gần đó đã có một điểm mở khác (điểm mở hiện tại).
"Ngay sau phản ánh của Tạp chí GTVT, trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế, địa phương có đề nghị lắp đặt đèn tín hiệu ở nút giao hiện tại và đề nghị mở rộng mặt đường, tạo thành một đường gom đủ cho 2 chiều xe máy, xe đạp di chuyển và có dải phân cách mềm, ở phía bên phải tuyến. Đường gom này sẽ tách biệt với QL5", ông Thịnh nói và cho biết, về hình thức, đường gom này giống với đoạn qua nút giao Tiền Trung (đường gom kéo dài gần 1km).
Cũng theo ông Thịnh, với đề nghị bố trí hệ thống đèn tín hiệu, VIDIFI sẽ báo cáo Cục Đường bộ VN. Khi được Cục Đường bộ VN chấp thuận, VIDIFI sẽ triển khai.
Còn với đề xuất làm đường gom dân sinh, thông thường địa phương phải bỏ kinh phí thực hiện vì còn liên quan đến giải phóng mặt bằng. Đồng thời cũng phải báo cáo Cục Đường bộ VN để được triển khai.
"Vấn đề căn bản là phải xử lý được đường gom để bà con đi tách bạch khỏi QL5, không để tình trạng đi ngược chiều như hiện tại", ông Thịnh cho hay.
Trước đó, Tạp chí GTVT có bài viết: "Video: Hãi hùng cả nghìn người "đánh cược" tính mạng trên QL5 qua Hải Dương mỗi ngày", phản ánh, hàng ngày, để đi học, đi làm, đi chợ hoặc ra UBND xã, cả nghìn lượt người dân các thôn Phạm Xá 1, Phạm Xá 2 (xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương)… thường chọn cách đi ngược chiều trên QL5 với đoạn đường khoảng hơn 300m, bất chấp nguy hiểm rình rập từ dòng xe như mắc cửi.
Mặc dù phải đối mặt với hàng nghìn lượt xe container, ôtô tải, xe khách… chạy rầm rập trên QL5 nhưng nhiều người thay vì đi đường vòng xa, đành "đánh cược" tính mạng của mình.