Đề xuất làm đường trên cao nối TP.HCM với Bình Dương
Bên cạnh việc mở rộng mặt đường từ 4-6 làn xe lên 10 làn, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 còn xây dựng đường trên cao ở giữa tuyến.
![Hiện trạng Quốc lộ 13 đoạn qua TP.HCM sắp được chi 14.000 tỷ mở rộng. Ảnh: Quỳnh Danh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_119_51448111/3cec36170359ea07b348.jpg)
Hiện trạng Quốc lộ 13 đoạn qua TP.HCM sắp được chi 14.000 tỷ mở rộng. Ảnh: Quỳnh Danh.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) vừa cho biết đã trình UBND TP.HCM thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 4 dự án BOT theo Nghị quyết 98.
Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 21.700 tỷ đồng, bao gồm cả lãi vay trong quá trình thi công.
Nhà nước dự kiến tham gia 68% vốn, tương đương hơn 14.700 tỷ đồng, phần còn lại hơn 7.000 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 21 năm 4 tháng.
Đoạn đường Quốc lộ 13 được nâng cấp có tổng chiều dài khoảng 6,3 km, từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, bao gồm cả phần đường đầu cầu thuộc địa phận Bình Dương.
Dự án sẽ mở rộng mặt đường từ 4-6 làn xe lên 10 làn, với tổng bề rộng 60 m, đồng thời bố trí hành lang cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy hoạch. Tốc độ thiết kế của tuyến chính là 80 km/h, còn tuyến đường song hành hai bên là 60 km/h.
Ngoài mở rộng mặt đường, khoảng 3,2 km ở giữa tuyến sẽ được xây dựng cầu cạn (cầu trên cao) với quy mô 4 làn xe, hai bên là đường song hành.
![Quốc lộ 13 thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Quỳnh Danh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_119_51448111/a61e82e5b7ab5ef507ba.jpg)
Quốc lộ 13 thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Quỳnh Danh.
Công tác giải phóng mặt bằng dự kiến bắt đầu từ quý III năm nay, song song với thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Việc thi công dự kiến khởi công vào quý III/2026. Sau đó, hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2028.
Theo Sở GTVT, dự án này hướng đến mục tiêu hình thành trục giao thông nhanh, hạn chế gián đoạn, kết nối khu trung tâm TP.HCM với tỉnh Bình Dương. Đồng thời, tuyến đường cũng sẽ đóng vai trò trục giao thông hướng tâm, kết nối đường Phạm Văn Đồng với Vành đai 2, đáp ứng nhu cầu giao thông liên vùng giữa cửa ngõ phía Đông TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Cách đây hơn 20 năm, TP.HCM đã có kế hoạch mở rộng Quốc lộ 13 nhưng chưa thể triển khai do thiếu vốn và vướng cơ chế. Sau khi Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM áp dụng hình thức BOT với các công trình nâng cấp đường hiện hữu, dự án mở rộng Quốc lộ 13 nằm trong nhóm ưu tiên thực hiện.
Ngoài mở rộng Quốc lộ 13, TP.HCM còn triển khai 4 dự án nâng cấp đường theo hình thức BOT, được triển khai theo Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù, gồm: Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An), Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3), trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành), cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh).
Nguồn Znews: https://znews.vn/de-xuat-lam-duong-tren-cao-noi-tphcm-voi-binh-duong-post1530700.html