Đề xuất làm quảng trường, cảng hành khách quốc tế ở cảng Nhà Rồng Khánh Hội
Công ty CP Cảng Sài Gòn vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cảng tàu khách quốc tế ở cảng Nhà Rồng Khánh Hội, quận 4, TP.HCM.
Công ty CP Cảng Sài Gòn vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng Khánh Hội, quận 4, TP.HCM - khu đất được xem là giá trị nhất ven sông Sài Gòn còn sót lại.
Quảng trường, cảng hành khách quốc tế hơn 600 tỉ đồng
“Chúng tôi vừa trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng Khánh Hội”, ông Nguyễn Uyên Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Cảng Sài Gòn trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM ngày 29-9.
Theo đó, quy mô dự án cảng Nhà Rồng Khánh Hội đang đề xuất đầu tư trên khu đất khoảng 68.618 m2 (thuộc khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội hiện nay), bao gồm toàn bộ khu 3 và một phần cầu K10 kéo dài đến đường Nguyễn Tất Thành thành khu phức hợp đa năng.
Dự án sẽ xây dựng bến cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng Khánh Hội đảm bảo cho việc tiếp nhận tàu khách quốc tế, tàu du lịch sức chở 1000 khách, neo đậu du thuyền.
Đồng thời, dự án sẽ xây dựng khu phức hợp phục vụ quản lý khai thác; khu vực quảng trường; khu phức hợp xe bus và bãi xe bến phà... Dự kiến tổng mức đầu tư 624,9 tỉ đồng và thực hiện trong năm 2025.
“Hiện công tác nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đang được tiến hành khẩn trương và dự kiến sẽ hoàn thiện và trình cho UBND TP xem xét trong quý 3-2024”, báo cáo của Công ty CP Cảng Sài Gòn nêu.
Mở rộng đường bộ, tăng kết nối đến cảng
Dự án sẽ xây dựng mới khu phức hợp bến phà gồm công trình dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi, mua sắm giải trí tại trung tâm khu đất dự án, bố trí theo chiều dọc tuyến bến và tuyến giao thông. Diện tích xây dựng 8.441,4 m2 với 3 tầng cao.
Đồng thời xây mới khu phức hợp (dịch vụ quản lý, điều hành) gồm công trình dịch vụ phục vụ đăng ký, chờ, kiểm soát hành khách lên xuống tàu; văn phòng dịch vụ điều hành và thường trực của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành: hải quan, biên phòng, cảng vụ.... Diện tích khu này là 1.884,2 m2, 3 tầng bố trí liền kề về phía Tây của khu phức hợp bến phà tiếp giáp phía bờ kênh Tẻ.
Khu vực quảng trường: Có khu công viên cây xanh bố trí phía mặt tiền sông Sài Gòn phía sau cầu tàu, kết nối giao thông trực tiếp từ khu phức hợp ra bến tàu và khu vực cảnh quan cây xanh. Diện tích sân đường quảng trường khoảng 5.198,6 m2, phần còn lại bố trí cảnh quan cây xanh kết hợp; diện tích khu công viên cây xanh hơn 2.323 m2.
Khu phức hợp xe bus và bãi xe bến phà được quy hoạch phía hậu phương kết nối từ trục giao thông chính của khu vực (đường Nguyễn Tất Thành) và đường giao thông nội bộ khu cảng. Khu xe bus phục vụ luân chuyển khách đi đến các địa điểm vui chơi khác trong TP bố trí phía Tây khu đất; khu vực xe bến phà bố trí tại phía Đông khu đất phục vụ cho xe đưa đón khách đến bến.
Việc đề xuất thực hiện dự án đầu tư cảng Nhà Rồng Khánh Hội nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển của TP.HCM và định hướng phát triển khu bến trên sông Sài Gòn cảng biển TP; khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của sông Sài Gòn để xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và du lịch ven sông, kết nối với hệ sinh thái ven kênh để phát triển du lịch đường thủy trở thành sản phẩm đặc thù của TP.HCM.
“Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tàu khách quốc tế, cần đầu tư và nâng cấp hệ thống kết nối giao thông giữa cảng và các khu vực khác của TP bao gồm việc mở rộng tuyến đường bộ, cải thiện, nâng cao chất lượng giao thông công cộng kết nối đến cảng”, Công ty CP Cảng Sài Gòn đề xuất.
Thời gian qua, Cảng Nhà Rồng Khánh Hội (trực thuộc Cảng Sài Gòn) thường xuyên đón các tàu khách du lịch quốc tế (tải trọng trên 30.000 GT, 1 GT bằng 1,5 tấn). Ngoài ra, còn có các tàu khách nội địa, các tàu nhà hàng phục vụ thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn hoạt động về đêm tạo nên sự sôi động cho khu vực này.
Bên cạnh đó, hưởng ứng hoạt động xúc tiến du lịch, TP đã tổ chức chuỗi sự kiện du lịch thu hút khách quốc tế đến với khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội như Lễ hội sông nước các năm 2023, 2024.