Đề xuất lập liên minh đổi mới sáng tạo các đại học trên địa bàn Hà Nội

HUIA được kỳ vọng sẽ trở thành mạng lưới liên kết các trường đại học trên địa bàn Thủ đô, cùng chia sẻ nguồn lực và lan tỏa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Sáng nay (15/4), Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Tham dự hội thảo có Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Vũ Thanh Mai; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cùng hơn 350 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ hơn 70 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế.

 Hội thảo thu hút hơn 350 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ hơn 70 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế. Ảnh: DN

Hội thảo thu hút hơn 350 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ hơn 70 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế. Ảnh: DN

Hệ thống giáo dục đại học – cao đẳng giữ vai trò trung tâm trong phát triển tri thức và chuyển giao công nghệ

Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội chia sẻ, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã xác định rõ: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu là động lực chính để phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Trong tiến trình đó, hệ thống giáo dục đại học – cao đẳng giữ vai trò trung tâm trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển tri thức mới, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Từ đó, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn đặt vấn đề, các đại biểu tham dự hội thảo cần trả lời câu hỏi lớn: Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia của đất nước.

 Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Duy Thành

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Duy Thành

Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội cũng khẳng định, Hà Nội – trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, kinh tế, văn hóa và trung tâm về giáo dục và khoa học công nghệ của cả nước – hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đi đầu trong thực thi Nghị quyết 57.

Với mạng lưới hàng trăm trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học đông đảo, hệ thống giáo dục đại học – cao đẳng trên địa bàn Thủ đô có vai trò đặc biệt quan trọng trong hiện thực hóa các khát vọng lớn lao của Nghị quyết, tạo động lực mới cho tăng trưởng GRDP, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện.

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những biến động phức tạp về kinh tế và thương mại đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Để nâng cao năng lực thích ứng và duy trì đà tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần khẩn trương phát triển năng lực tự chủ về công nghệ và nâng cao giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất, xuất khẩu. Trong đó, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt giúp nền kinh tế chuyển từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

“Hội thảo là diễn đàn để cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thực hiện Nghị quyết 57 một cách hiệu quả, thực chất và thẳng thắn nhất”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Cần cơ chế đặt hàng chiến lược cho nghiên cứu trọng điểm

Tại hội thảo, các tham luận tập trung đề xuất các nhóm nhiệm vụ và giải pháp mang tính chiến lược và đột phá theo hai nhóm vấn đề chính gồm lãnh đạo chiến lược và chính sách.

Các tham luận cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tổ chức Đảng tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong triển khai Nghị quyết 57, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức, hành động và đổi mới phương thức quản trị nhà trường phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt là xác định các điểm nghẽn và rào cản trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đặc biệt trong mô hình khu công nghệ cao tại Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng, từ đó đề xuất các giải pháp toàn diện nhằm tháo gỡ, tạo đột phá về thể chế, chính sách, tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực.

 Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất thành lập liên minh Đổi mới sáng tạo đại học Hà Nội (HUIA) nhằm phát huy sức mạnh tập thể của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: DN

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất thành lập liên minh Đổi mới sáng tạo đại học Hà Nội (HUIA) nhằm phát huy sức mạnh tập thể của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: DN

Trao đổi tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, phát triển khoa học, công nghệ không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn là điều kiện tiên quyết để Hà Nội đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đó, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57, Giáo sư Lê Anh Tuấn cho rằng, thành phố Hà Nội cần có một mô hình phát triển mới, trong đó lấy tri thức dẫn dắt, công nghệ làm nền, con người làm gốc và chính sách làm đòn bẩy.

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất bốn cơ chế chiến lược, cụ thể:

Cần có cơ chế đặt hàng chiến lược từ thành phố đến đại học đối với các chương trình nghiên cứu chiến lược trọng điểm của Thủ đô.

Đồng thời, thành lập liên minh Đổi mới sáng tạo đại học Hà Nội (HUIA) nhằm phát huy sức mạnh tập thể của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thủ đô.

Cùng với đó là xây dựng cơ chế thử nghiệm công nghệ đô thị tại các Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội và Khu/Cụm Công nghiệp Hà Nội; thử nghiệm bản đồ số, cảm biến đô thị, AI điều phối giao thông, dịch vụ công tích hợp;

Cuối cùng, thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo Hà Nội theo hình thức Nhà nước đầu tư - Doanh nghiệp vận hành.

 Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng - Trưởng ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: DN

Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng - Trưởng ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: DN

Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng - Trưởng ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội, đề xuất một số giải pháp phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp và Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố Hà Nội trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW.

Thứ nhất, Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố Hà Nội đề xuất trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ hỗ trợ để sinh viên được tiếp cận và thực tập trong các nhà máy, viện nghiên cứu trong Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Thứ hai, Ban Quản lý sẽ phối hợp với nhà trường để gắn đào tạo của nhà trường với nhu cầu của doanh doanh nghiệp “thực học - thực hành”.

Thứ ba, thu hút, quy tụ nhân lực công nghệ cao phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D).

Thứ tư, hợp tác liên doanh liên kết với các trường để khai thác cơ sở vật chất của Khu công nghệ cao.

Thứ năm, đưa các kết quả nghiên cứu vào thử nghiệm, tới doanh nghiệp và tiếp cận thị trường.

 Tiến sĩ Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học VinUni chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Duy Thành

Tiến sĩ Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học VinUni chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Duy Thành

Nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình hợp tác đa phương, Tiến sĩ Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học VinUni đề xuất phát triển một cơ chế hợp tác chiến lược giữa bốn bên: Chính quyền Thủ đô – Doanh nghiệp – Khu công nghệ cao – Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực chất, theo Tiến sĩ Lê Mai Lan, mô hình vận hành cần được thiết kế theo hướng đa chiều, linh hoạt, có cơ chế phối hợp đồng cấp, với một đầu mối điều phối trung tâm rõ ràng.

Từ đó, vị lãnh đạo đề xuất đặt vai trò này cho chính quyền Thủ đô, nhằm đảm bảo tính thống nhất về chiến lược, chính sách và nguồn lực. Trong một số lĩnh vực chuyên môn đặc thù, thành phố có thể ủy quyền điều phối cho một cơ sở giáo dục đại học hội tụ đủ năng lực kết nối tri thức, công nghệ và thị trường.

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Duy Thành

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Duy Thành

Từ góc độ đào tạo và nghiên cứu ứng dụng phục vụ nông nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất một số giải pháp và cơ chế phối hợp giữa Thành phố Hà Nội, Học viện và Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Giáo sư Lan, để phát triển nông nghiệp thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và là địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nông nghiệp cho cả nước, Hà Nội cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả với các trường đại học để có thể tận dụng tối đa tiềm năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học – tài nguyên lớn nhất của con người Hà Nội.

Nhà nước là “bà đỡ” và cầu nối trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia

 Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: DN

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: DN

 Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Duy Thành

Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Duy Thành

Cũng tại hội thảo, Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ các quốc gia có điều kiện tương đồng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.

Từ những bài học quốc tế, Giáo sư Minh đề xuất, Việt Nam cần đồng thời triển khai ba giai đoạn phát triển công nghệ: giới thiệu, nội địa hóa và sáng tạo công nghệ, thay vì thực hiện tuần tự.

Theo Giáo sư Minh, việc thiết lập rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý là yếu tố then chốt trong thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nhà nước không chỉ đóng vai trò “bà đỡ” mà còn là cầu nối giữa nghiên cứu, sản xuất và thị trường.

Bên cạnh đó, cần thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để hỗ trợ giai đoạn giới thiệu công nghệ, đồng thời phát triển doanh nghiệp trong nước để tiến tới làm chủ và sáng tạo công nghệ. Giáo sư Minh nhấn mạnh, trong quá trình này, cần ưu tiên tiếp cận các dây chuyền hiện đại, tránh tình trạng trở thành “bãi rác công nghệ”.

Giáo sư Minh cũng kêu gọi cần có những chính sách đột phá dành cho đội ngũ nhà khoa học, cả về điều kiện làm việc lẫn đời sống. Đồng thời nhấn mạnh, chuyển đổi số là cơ hội đặc biệt quan trọng, Nhà nước điều phối thông tin kết nối giữa cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất và thị trường để tạo hệ sinh thái phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia.

Phát biểu kết luận hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn cho biết, hội thảo nhận được 40 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ 70 trường đại học uy tín trong khu vực và thế giới; các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hội thảo là cơ hội để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất cơ chế và phát động các sáng kiến hợp tác cụ thể giữa các trường đại học, cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.

Qua đó, hướng tới mục tiêu phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, bền vững, có khả năng lan tỏa mạnh mẽ cho sự phát triển xã hội của Thủ đô và đất nước, góp phần thực hiện thành công hai mục tiêu 100 năm của Việt Nam. Đó là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành một nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-xuat-lap-lien-minh-doi-moi-sang-tao-cac-dai-hoc-tren-dia-ban-ha-noi-post250625.gd