Đề xuất loạt cơ chế đặc biệt về xem xét 'xử lý hình sự' với doanh nhân

Ngày 15-5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Theo Chính phủ, việc xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, quan điểm, cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị, để tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Ảnh: Phạm Thắng

Dự thảo nghị quyết gồm 5 nhóm chính sách lớn: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, dự thảo nêu rõ phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.

Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cùng với đó, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.

Chính phủ cũng đề xuất bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.

Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.

Theo chính phủ, cần phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý doanh nghiệp trong xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc.

Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra các nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Tương tự, số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) bao gồm cả kiểm tra liên ngành, đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Nếu cùng một nội dung, cơ quan quản lý nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trong cùng 1 năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Ông Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Phạm Thắng

Ông Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Phạm Thắng

Chính phủ cũng đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Đồng thời, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết các quy định nêu trên nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ về bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân của Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy một số nhiệm vụ không phải là nội dung mới nhưng quá trình thực thi còn nhiều hạn chế. Do đó, đề nghị các cơ quan liên quan chỉ đạo xem xét, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện để có giải pháp chấn chỉnh, kiểm soát quyền lực; sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng nội dung này sau khi Nghị quyết được ban hành.

Theo ông Phan Văn Mãi, có ý kiến đề nghị chỉ rõ cơ quan chịu trách nhiệm và thời hạn để kết luận, công bố công khai kết luận đối với những vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng; bổ sung chế tài đối với hành vi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kéo dài, gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị không thực hiện biện pháp ngăn chặn bằng "tạm giam" khi chưa thật sự cần thiết.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ cho biết sẽ chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.

Minh Chiến - Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-xuat-loat-co-che-dac-biet-ve-xem-xet-xu-ly-hinh-su-voi-doanh-nhan-196250515112628778.htm