Đề xuất lương hưu sẽ áp mức cao nhất có thể sau cải cách tiền lương
Bộ LĐTB&XH đề xuất, thời điểm cải cách tiền lương từ 1/7 đối với công nhân viên chức cũng áp dụng lương hưu ở mức cao nhất có thể.
Hôm nay, Quốc hội thảo luận cả ngày về dự án Luật Bảo hiểm Xã hội. Cuối phiên thảo luận, thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có giải trình.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, BHXH Việt Nam còn rất non trẻ (29 năm) nếu so với thế giới có những nước đã có lịch sử vài trăm năm. Việt Nam đã có 8/9 loại hình bảo hiểm; nhiều lĩnh vực phát triển nhanh chóng, phát triển tốt, cơ bản phù hợp thông lệ quốc tế.
Về hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng cho biết, đây là "vấn đề nhạy cảm nhất" trong luật và cũng là vấn đề phức tạp. Quốc hội đã bàn vấn đề này qua 2 kỳ họp.
"Mục tiêu lớn nhất là làm sao vừa thực hiện đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước để khi người già về hưu có lương. Nhưng cũng phải quan tâm đến đời sống thực tế của người lao động, vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động muốn rút BHXH", Bộ trưởng nêu.
Theo ông, tình trạng rút BHXH một lần có nhiều lý do trong đó do kinh tế khó khăn, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Cũng có trường hợp đã rút rồi muốn tham gia lại.
Đặt vấn đề vì sao phải thiết kế mục rút BHXH một lần dù ở các nước không có, Bộ trưởng giải thích: "Xuất phát từ chính nhu cầu của người lao động. Nghị quyết 93 về thực hiện chính sách BHXH một lần ra đời năm 2014 khi Luật Bảo hiểm chưa có hiệu lực. Nghị quyết đã giải quyết tình thế lúc bấy giờ, nhưng hiện nay bỏ Nghị quyết 93 được không? Chúng tôi cho rằng không thể bỏ, bởi sẽ sinh ra những vấn đề hệ lụy rất phức tạp về mặt chính trị và xã hội". Do đó, phải duy trì nhưng vẫn trên cơ sở tính toán để đạt 2 mục tiêu như trên.
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đưa ra 2 phương án nên đã tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức hội thảo nghiên cứu, trao đổi. Đến ngày 22/5, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến và thấy rằng không có thêm phương án nào khác.
Có những ý kiến đề xuất tích hợp hai phương án (XEM THÊM 2 phương án).
"Sau khi xem xét, các chuyên gia đánh giá nếu cộng 2 phương án vào thì toàn cộng nhược điểm hơn thay vì ưu điểm. Chính vì vậy, Chính phủ tiếp tục đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho lựa chọn 1 trong 2 phương án. Từ kỳ họp Quốc hội thứ 6 đến nay, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã lấy ý kiến rộng rãi người lao động", Bộ trưởng báo cáo.
Tại 5 địa phương có tỷ lệ rút BHXH một lần nhiều nhất, đặc biệt tại Đông Nam bộ thì tuyệt đại ý kiến đều chọn phương án 1, rất ít người chọn phương án 2.
Bộ trưởng cũng cho biết, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần thì có nhiều giải pháp, trong đó có hỗ trợ như tín dụng, cho vay không lãi. Bộ trưởng cho biết đã nghiên cứu rất kỹ ý kiến góp ý về các giải pháp của Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên Bộ trưởng nhìn nhận những chính sách hỗ trợ trên lại không thể đưa vào trong luật mà phải quy định trong các luật, nghị định khác. "Nhưng ý kiến của Đại biểu Quốc hội, chúng tôi thấy rất thấm thía là cần phải có chính sách khác để hỗ trợ", Bộ trưởng chia sẻ.
Về chính sách ốm đau, thai sản, Bộ trưởng LĐTB&XH nhìn nhận ý kiến các Đại biểu Quốc hội đều xác đáng, đúng với thực tế và nhu cầu. Dự thảo luật đã đưa nhiều chính sách tốt hơn so với luật cũ. Bộ trưởng dẫn chứng: tăng quyền lợi trong trường hợp ốm đau nghỉ dưới 1 ngày, người ốm nghỉ 14 ngày trong tháng tiếp tục được hưởng chính sách...
"Quỹ ốm đau, thai sản là quỹ ngắn hạn chứ không phải dài hạn, nguyên tắc có tính chia sẻ cao nhất trong tất cả các quỹ. Nhưng thực tiễn mấy năm vừa rồi bị âm, thu không đủ chi. Tỷ lệ chi/thu năm 2017 của Bảo hiểm bị âm 2,13%, năm 2019 âm 2,85%, năm 2023 mới cân bằng được thu chi", Bộ trưởng thông tin.
Theo Bộ trưởng, nguyện vọng chính đáng nhưng nếu tăng chính sách của quỹ này lên lại không đảm bảo thu được ngay. Nếu tăng lên nữa trong thời điểm này là không phù hợp, do chưa cân đối được. Phải hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của quỹ, khả năng chi - thu.
Về cải cách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Cái khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền, nhưng lần này có tiền rồi. Chính phủ báo cáo đã dành được 680.000 tỷ đồng để chi cho tăng lương". Tuy nhiên, cải cách tiền lương vẫn là vấn đề mới, phức tạp. Cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm, muốn vậy phải xác định được vị trí việc làm dựa trên 3 đặc điểm là: tính ổn định, tính lâu dài và tính thường xuyên.
Ông Dung cũng cho rằng, quy định mức tham chiếu thay mức lương cơ sở, "bản chất không có vấn đề gì". Nếu cần thiết, mức lương cơ sở 1,8 triệu hiện nay vẫn áp dụng được. Nhưng nếu bỏ mức lương cơ sở, thì lấy gì thay thế? Do vậy, theo ông đây không phải là vấn đề lớn.
Liên quan đến hưu trí, Bộ trưởng cho biết, chiều qua, Thường trực Chính phủ họp "chúng tôi đề xuất người hưởng lương hưu sau khi cải cách tiền lương (1/7) thì sẽ áp mức cao nhất có thể, theo tinh thần có thể 6 tháng cuối 2024 và đầu năm 2025 cân bằng quỹ chứ không có kết dư. Chấp nhận điều đó để đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí. Còn đối với người có công sẽ cao hơn một bậc với công nhân viên chức...".