Đề xuất miễn giảm thuế thu nhập cho vợ chồng mang thai, nuôi con nhỏ
Hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn tự hào về lực lượng lao động dồi dào, là cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế trong nước. Tuy nhiên việc tỷ suất sinh bắt đầu sụt giảm khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về xu hướng già hóa dân số.
Thảo luận tại hội trường trong phiên họp Quốc hội ngày 4/11, nhiều đại biểu đã bày tỏ trăn trở trước nguy cơ già hóa dân số, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nhận định, thời kỳ già hóa dân số sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như tốc độ tăng trưởng theo đầu người sẽ giảm xuống, tạo ra yêu cầu sống còn phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và các nguồn tăng năng suất khác để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng.
Cùng với đó, áp lực ngày càng gia tăng lên hệ thống hưu trí và y tế sẽ tạo thêm thách thức lên nguồn tài chính của quốc gia, lên hệ thống chăm sóc cho người tuổi cao, sức yếu.
Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng việc điều chỉnh, thay đổi pháp lệnh dân số bằng Luật Dân số trở nên cấp thiết trong lộ trình xây dựng luật.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chú trọng đảm bảo quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh cần được cụ thể hóa, hỗ trợ bằng các biện pháp đi cùng như: Doanh nghiệp không được quyền sa thải phụ nữ đang mang thai; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho các cặp vợ chồng, cá nhân đang trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ...
Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, trước mắt đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật đối với Đảng viên sinh con thứ ba có còn phù hợp hay không, để điều chỉnh sửa đổi kịp thời.
LO NGẠI TỶ SUẤT SINH TIẾP TỤC GIẢM
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP HCM) nêu quan điểm, con người là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển, gồm số lượng và chất lượng. Về số lượng, hơn 20 năm qua Việt Nam luôn tự hào về lực lượng lao động dồi dào, là cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế trong nước. “Điều này rất đúng cho đến năm 2023,” đại biểu nhận định, với số liệu tỷ suất sinh của Việt Nam năm 2023 tụt xuống 1,96, từ mức 2,1.
Đại biểu cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế thì tỷ suất sinh sắp tới sẽ tiếp tục giảm nữa, và có thể dự báo sơ bộ sau năm 2045-2050, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ thiếu lao động, dân số già. Đây là bài học mà nhiều nước đã trải qua như Nhật Bản, Hàn Quốc...
"Vì vậy chúng tôi thiết tha kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để có tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 21 của Trung ương về phát triển dân số trong tình hình mới. Nghị quyết có đặt mục tiêu đảm bảo vững chắc tỷ suất sinh thay thế nhưng sau 6 năm thực hiện thì mục tiêu này không đạt được," đại biểu nêu kiến nghị.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cũng đề nghị cần nhanh chóng nghiên cứu chính sách dân số trước thách thức già hóa dân số. Theo ông, phải có nguồn nhân lực tốt thì mới giữ được đà tăng trưởng 6%-7% cho những năm tới, đồng thời chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao sẽ đến trong tương lai gần.
CẦN CÓ KHUNG CHÍNH SÁCH QUỐC GIA VỀ PHÒNG CHỐNG GIÀ HÓA DÂN SỐ
Giải trình các vấn đề đại biểu nêu tại cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đồng tình với những lo ngại của các đại biểu về nguy cơ già hóa dân số. Ông cho rằng bắt đầu từ năm 2025, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế. Đây là vấn đề quan trọng mang tính chất chiến lược.
Về đào tạo nhân lực, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh đào tạo nguồn lao động đại trà, cả nước cần chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đó là nền tảng để Việt Nam phấn đấu cuối năm 2025, Việt Nam vào Top 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng cần tập trung vào 2 đề án lớn và một số vấn đề cơ bản. Đề án thứ nhất là phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Thứ hai là đề án phát triển nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển công nghệ cao.
Một số đề án cần quan tâm khác là có chính sách hữu hiệu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công. Trong đào tạo đại học, cần chú trọng nghiên cứu khoa học, đặc biệt là phải thực hiện tự chủ đại học một cách thực chất và coi đây là khâu đột phá với hệ đào tạo này.
Trong giáo dục nghề nghiệp, cần tập trung đổi mới theo hướng mở, linh hoạt, chú trọng hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước, lấy kết nối hoạt động đào tạo với doanh nghiệp là trọng yếu và mang tính chất quyết định.