Đề xuất miễn thuế đất cho DN trong nửa đầu năm 2020
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thu tiền sử dụng đất đối với từng loại hình doanh nghiệp thuê đất trả tiền thuê hàng năm để các doanh nghiệp có điều kiện, nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, miễn tiền thuê đất 6 tháng đầu năm 2020 cho tất cả các trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm do ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch. Trường hợp đến ngày 30/6/2020 mà chưa khôi phục sản xuất thì xem xét để miễn các tháng còn lại bị dịch bệnh mà vẫn chưa phục hồi sản xuất.
Đối với việc nộp tiền sử dụng đất, cho phép nộp chậm 6 tháng kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất, đồng thời xem xét giảm tiền tương ứng với 6 tháng sử dụng đất. Sau khi kết thúc dịch bệnh, trên cơ sở điều kiện thực tế sẽ xem xét việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ nêu trên để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Bộ cũng đề xuất Chính phủ xem xét, trình Quốc hội miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong 6 tháng (ước tính khoảng 600 tỷ đồng), hoặc một năm (ước tính khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ đề xuất gia hạn nộp thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng), giảm mức phí môi trường cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020 đồng thời giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất, giảm 30% mức thu phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ này báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản như khoáng sản trên mặt thu hồi từ các dự án phát triển kinh tế xã hội nhưng không có nhu cầu chế biến, sử dụng trong nước (cát trắng), khoáng sản khai thác tại các mỏ có quy mô nhỏ lẻ, vùng khó khăn, không thuận lợi khi vận chuyển về các khu vực chế biến tập trung dẫn đến giá thành vận chuyển cao, các loại đá khối, quặng sắt sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Đối với ngành y tế, Bộ kiến nghị xem xét trích kinh phí (từ vốn sự nghiệp môi trường) để đầu tư trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, các lực lượng làm việc tại các bệnh viện, các khu cách ly và nâng cao năng lực xử lý chất thải nguy hại y tế.