Đề xuất mở rộng đối tượng, giảm tuổi hưởng chế độ hưu trí xã hội

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng diện được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội với người đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không phụ thuộc vào địa bàn cư trú.

Trợ cấp hưu trí xã hội là quy định mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Đây là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi, gồm các chế độ: Trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng; hỗ trợ chi phí mai táng; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.

Theo dự thảo Luật, có hai đối tượng công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Thứ nhất là những người đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ; có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Đối tượng thứ hai là công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ; có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Ảnh minh họa: Tú Anh.

Ảnh minh họa: Tú Anh.

Thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình) bày tỏ đồng tình về quy định chế độ hưu trí xã hội, vì có ý nghĩa nhân văn khi số người cao tuổi ở Việt Nam ngày càng tăng.

Đồng thời, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ cần thu thập, chuẩn hóa các số liệu chi trả trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), để có cơ sở tính toán đầy đủ mức tăng chi ngân sách nhà nước, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách nhà nước chi trả khi Luật có hiệu lực.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) góp ý vào quy định về hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của các địa phương. Theo đại biểu, điều này có thể dẫn đến thực tế, mỗi địa phương có một mức hỗ trợ thêm khác nhau, từ đó có thể gây tâm lý so sánh giữa người dân ở các địa phương.

Theo đại biểu, khoản 2 Điều 20 dự thảo Luật quy định: “Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đồng thời đảm bảo các quy định tại điểm b và điểm c khoản này thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.

Nếu quy định như vậy thì những hộ nghèo cao tuổi ở các khu vực khác, như khu vực nông thôn, thành thị sẽ không được hưởng trợ cấp hưu trí khi đủ 70 tuổi. Trên thực tế cho thấy, những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 70 tuổi trở lên, là đối tượng yếu thế, người không còn sức lao động, không có thu nhập, nhiều người thuộc diện người già cô đơn, không nơi nương tựa hoặc ốm đau... nên dù họ sinh sống ở địa bàn nào thì những người cao tuổi thuộc các đối tượng này cũng rất cần có chế độ hỗ trợ để duy trì cuộc sống tối thiểu.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

“Tôi đề nghị cân nhắc nên bỏ địa bàn cư trú và quy định cho tất cả các công dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ đủ 70 tuổi trở lên được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội này”, đại biểu đề nghị.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Huế, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) nhìn nhận, người đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Lẽ ra, nếu có điều kiện thì tất cả người cao tuổi không có được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì nên được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội.

Tuy nhiên, do điều kiện chưa cho phép, nên chúng ta đang rút ngắn dần độ tuổi để các đối tượng người cao tuổi được hưởng chính sách xã hội ưu việt này. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này quy định, công dân đủ 75 tuổi trở lên, đối với vùng xã, thôn đặc biệt khó khăn thì từ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo đại biểu, quy định này là một bước tiến mới đối với người cao tuổi. Cử tri, nhất là người cao tuổi rất phấn khởi, tin tưởng. Tuy nhiên, người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, cơ bản đều có điều kiện khó khăn về thu nhập và đời sống như nhau, rất cần có chính sách trợ cấp hưu trí xã hội.

Vì vậy, đại biểu tỉnh Quảng Trị đề nghị nghiên cứu để mở rộng đối tượng người đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội này.

Đồng tình với quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo Luật, nhưng đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn tỉnh Bình Thuận) cho rằng, độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên là cao so với độ tuổi trung bình của dân số nước ta hiện nay.

“Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì trong năm 2023, độ tuổi trung bình của dân số nước ta là 73,7 tuổi, năm 2022 là 73,6 tuổi. Do đó, theo tôi nên tính toán hạ độ tuổi này xuống cho phù hợp với thực trạng độ tuổi trung bình của dân số nước ta hiện nay, để chính sách này thực sự là mang lại ý nghĩa trong thực tiễn”, đại biểu nói.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-mo-rong-doi-tuong-giam-tuoi-huong-che-do-huu-tri-xa-hoi-171549.html