Đề xuất mở rộng giám sát rủi ro các tập đoàn tài chính

Tại hội thảo do Thường trực Ủy ban Kinh tế vừa tổ chức sáng nay, các ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành cần chú ý đưa đầy đủ nhất các thông lệ tốt, chuẩn mực quốc tế; đưa quy định cho phép áp dụng cơ chế giám sát rủi ro; mở rộng giám sát rủi ro đến các tập đoàn tài chính.

Sáng 21.3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trao đổi về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành Hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành Hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành Hội thảo. Tham dự có Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh; đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, một số ngân hàng, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước…

Tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, đồng thời giao Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội Khóa XII thông qua vào năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội Khóa XIV thông qua năm 2017 (sau đây gọi chung là Luật Các tổ chức tín dụng) cùng với các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết qua hơn 12 năm thực hiện đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như góp phần lành mạnh hóa các hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật Các tổ chức tín dụng cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; ghi nhận một số tiến bộ trong dự thảo Luật khi mở rộng điều chỉnh đối với xử lý nợ xấu, phá sản ngân hàng, đưa quy định tại Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu vào dự thảo Luật.

Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Carolyn Turk phát biểu

Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Carolyn Turk phát biểu

Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Carolyn Turk lưu ý, vẫn còn một số khoảng trống, gây cản trở Ngân hàng Nhà nước có thể giám sát, quản lý hiệu quả, hạn chế năng lực phản ứng trong trường hợp các tổ chức tài chính có căng thẳng. Do vậy, khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cần chú ý đưa đầy đủ nhất các thông lệ tốt, chuẩn mực quốc tế; đưa quy định cho phép áp dụng cơ chế giám sát rủi ro; mở rộng giám sát rủi ro đến các tập đoàn tài chính.

Các thành viên Ủy ban kinh tế

Các thành viên Ủy ban kinh tế

Một số ý kiến lưu ý, đổ vỡ của các định chế tài chính có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào nên cần chuẩn bị cơ chế để giải quyết sự đổ vỡ này nhanh chóng, hiệu quả về mặt chi phí, hạn chế tối thiểu sự hỗ trợ từ Chính phủ, ngân sách Nhà nước. Điều này đòi hỏi tại dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định thẩm quyền và bảo vệ pháp lý với cán bộ giám sát; thẩm quyền can thiệp sớm và hiệu quả hơn với các ngân hàng yếu kém và một số quyền hạn cần thiết khác của Ngân hàng Nhà nước.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh giải trình ý kiến các chuyên gia

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh giải trình ý kiến các chuyên gia

Một số chuyên gia quốc tế khuyến nghị, khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm bổ sung quy định về bảo vệ Ngân hàng Nhà nước, các cán bộ, công chức thực hiện giám sát tổ chức tín dụng, cho phép miễn trừ trách nhiệm khi các cơ quan, cá nhân thực hiện đúng theo chức trách, chính sách, pháp luật hiện hành. Điều này rất quan trọng để thực hiện hiệu quả, độc lập các chức năng của Ngân hàng Nhà nước.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh phát biểu

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh phát biểu

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao các góp ý thiết thực đối với việc sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng; mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của các chuyên gia đối với dự luật này trong thời gian tới.

Tin và ảnh: Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/de-xuat-mo-rong-giam-sat-rui-ro-cac-tap-doan-tai-chinh-i319360/