Rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá với thép cán nguội từ Trung Quốc
Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương vừa thông báo tiếp nhận hồ sơ rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá đối với thép cán nguội từ Trung Quốc.
Trước đó, ngày 21/12/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3390⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương, 1 năm trước khi kết thúc thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định tiến hành rà soát cuối kỳ đối với việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Nội dung rà soát cuối kỳ được quy định chi tiết tại Khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 63 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định số 10/2018/NĐ-CP).
Chiều ngày 30/9/2024, Cục Phòng vệ thương mại thông báo chính thức tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ của vụ việc. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo của Cơ quan điều tra, nhà sản xuất trong nước có quyền nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 30/10/2024 và hồ sơ phải được nộp trực tiếp tại Cục Phòng vệ thương mại trong thời hạn nêu trên theo địa chỉ: Cục Phòng vệ thương mại - tầng 8, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 173% lượng sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.
Riêng tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%. Về giá HRC nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác từ 45-108 USD/tấn.
Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Các mác thép nhập khẩu chủ yếu là Q195, Q235, những mác thép này có giá thấp hơn ASTM, SPHC và các mác khác từ 74-79 USD/tấn.