Đề xuất mới của Bộ Công an về yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều hành vi phạm tội
Tại dự thảo Luật Dẫn độ, Bộ Công an đã đề xuất nhiều quy định mới về trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều hành vi phạm tội, hồ sơ yêu cầu dẫn độ…
Theo Bộ Công an, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là thành viên của 22 Điều ước quốc tế đa phương, 10 Hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 20 Hiệp định song phương về dẫn độ.
Qua rà soát thấy một số điều khoản về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 còn một số nội dung chưa thực sự phù hợp với quy định trong các hiệp định này (quy định về bắt khẩn cấp, kinh phí, quá cảnh người bị dẫn độ, quy tắc đặc biệt...). Vì vậy, việc ban hành Luật Dẫn độ sẽ góp phần tạo điều kiện thực hiện tốt các cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng ký kết các điều ước quốc tế về dẫn độ; qua đó, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong dẫn độ.
Dự thảo Luật Dẫn độ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước của Việt Nam trong dẫn độ. Dự thảo luật gồm 5 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 1 điều so với Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dẫn độ.
Dự thảo Luật dẫn độ đã bổ sung một số quy định mới so với Luật tương trợ tư pháp cho phù hợp với pháp luật quốc tế, đáp ứng các yêu cầu phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của hội nhập quốc tế nói chung và trong hoạt động dẫn độ nói riêng qua đó tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về dẫn độ như:
Bổ sung trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều hành vi phạm tội; Về hồ sơ yêu cầu dẫn độ, dự thảo Luật quy định hồ sơ được lập bằng văn bản; cách thức chuyển yêu cầu dẫn độ được thực hiện qua kênh ngoại giao hoặc Cơ quan Trung ương về dẫn độ; về hợp pháp hóa lãnh sự, dự thảo Luật quy định hồ sơ yêu cầu dẫn độ được miễn hợp pháp hóa lãnh sự nếu được ký và đóng dấu bởi cơ quan và người có thẩm quyền.
Về kinh phí trong dẫn độ, dự thảo Luật quy định kinh phí trong hoạt động dẫn độ sẽ do ngân sách Nhà nước bảo đảm; Về dẫn độ có điều kiện, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này.
Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung quy định về “dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam”. Theo đó, về cơ quan của Việt Nam lập yêu cầu dẫn độ, dự thảo quy định cơ quan Trung ương về dẫn độ, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành án.
Đây là quy định được kế thừa, đồng thời được bổ sung so với Luật Tương trợ tư pháp. Việc quy định theo hướng này là phù hợp với việc bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ.