Đề xuất mới nhất của Bộ Công an về các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ

Trường hợp Bộ Công an nhận được hồ sơ yêu cầu dẫn độ của 2 hoặc nhiều nước với cùng một người thì Bộ này chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan xem xét, quyết định đáp ứng yêu cầu dẫn độ cho 1 trong các nước đó...

Về tiếp nhận, kiểm tra, xử lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài, dự thảo Luật Dẫn độ nêu rõ, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài, Bộ Công an kiểm tra hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài không đảm bảo các nguyên tắc và điều kiện dẫn độ hoặc không đảm bảo các nguyên tắc và điều kiện dẫn độ được quy định trong các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam và nước đó cùng là thành viên thì Bộ Công an trả hồ sơ cho nước ngoài và nêu rõ lý do.

Bộ Công an có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung hồ sơ yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 60 ngày, trừ trường hợp đặc biệt trong thời hạn 90 ngày. Sau thời hạn trên mà không nhận được thông tin bổ sung thì Bộ Công an gửi trả hồ sơ cho nước ngoài và nêu rõ lý do. Chính phủ hướng dẫn chi tiết về các trường hợp đặc biệt được bổ sung thông tin trong thời hạn 90 ngày.

Trường hợp hồ sơ yêu cầu dẫn độ đầy đủ, hợp lệ thì Bộ Công an chuyển ngay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền 1 bộ hồ sơ để xem xét, quyết định.

Về việc xem xét yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người, trong trường hợp Bộ Công an nhận được hồ sơ yêu cầu dẫn độ của hai hoặc nhiều nước đối với cùng một người về cùng một tội phạm hoặc nhiều tội phạm khác nhau thì Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định đáp ứng yêu cầu dẫn độ cho một trong các nước yêu cầu dẫn độ và chuyển 1 bộ hồ sơ yêu cầu dẫn độ đó cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét, quyết định dẫn độ.

Khi xem xét yêu cầu dẫn độ ngoài các quy định của pháp luật, còn phải xem xét các yếu tố liên quan sau:

Cơ sở pháp lý lập yêu cầu dẫn độ theo quy định của điều ước quốc tế về dẫn độ giữa Việt Nam và nước yêu cầu dẫn độ hay theo nguyên tắc có đi có lại; Quốc tịch và nơi thường trú cuối cùng của người bị yêu cầu dẫn độ; Tính hợp pháp và mức độ phù hợp của yêu cầu dẫn độ;

Thời gian và địa điểm thực hiện tội phạm; Mức độ nghiêm trọng của tội phạm; Quốc tịch của người bị hại; Khả năng dẫn độ tiếp theo giữa các nước yêu cầu dẫn độ…

Trường hợp yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người mà yêu cầu dẫn độ sau được gửi đến khi Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã thụ lý yêu cầu dẫn độ trước thì theo yêu cầu của Bộ Công an, Tòa án nhân dân có thẩm quyền trả lại hồ sơ yêu cầu dẫn độ đã thụ lý cho Bộ Công an để tiếp tục xem xét, quyết định.

Để đảm bảo thực hiện yêu cầu dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn được thực hiện khi nước ngoài chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ chính thức theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ. Trình tự, thủ tục, thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn để dẫn độ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự của Việt Nam.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-moi-nhat-cua-bo-cong-an-ve-cac-bien-phap-ngan-chan-de-dan-do-post586492.antd