Đề xuất mới nhất của Bộ Công an về trục xuất, áp giải người vi phạm
Tại Dự thảo Nghị định quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam… đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến đã nêu rõ các trường hợp áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính.
Dự thảo Nghị định gồm 6 chương 44 điều, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trục xuất, quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất; quyền và nghĩa vụ của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; Áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người; thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người theo thủ tục hành chính; quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, áp giải…
Theo Dự thảo, người bị trục xuất được nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành. Người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo TTHC được thực hiện theo quy định tại điểm đ Khoản 5, Khoản 7 Điều 39 Luật Xử lý VPHC.
Người bị trục xuất có quyền được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành; được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp…
Bên cạnh đó, người bị trục xuất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định trục xuất, chịu sự quản lý của cơ quan công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất…
Trường hợp không tự nguyện chấp hành sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC.
Về biện pháp quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất, theo Dự thảo, khi có căn cứ cho rằng, nếu không áp dụng biện pháp cần thiết để quản lý thì người đó sẽ trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc để ngăn chặn người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng một trong các biện pháp: Hạn chế việc đi lại của người bị quản lý; chỉ định chỗ ở của người bị quản lý; tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu; bắt buộc lưu trú tại cơ sở lưu trú do Bộ Công an quản lý...
Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ, không được sử dụng nhà tạm giữ hình sự, trại tạm giam, trại giam để quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
Đối với các trường hợp áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính, Dự thảo Nghị định quy định, người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải trong các trường hợp gồm: Bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính; đưa vào hoặc đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng theo quy định tại Khoản 1 Điều 111, Khoản 2 Điều 112 Luật Xử lý vi phạm hành chính không tự giác chấp hành khi điều kiện hoãn, tạm đình chỉ không còn và đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 132 của Luật này; Người bị trục xuất không tự giác chấp hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc có hành vi chống đối, bỏ trốn.
Cũng theo Dự thảo, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính gồm: Chiến sĩ CAND; Chiến sĩ Bộ đội biên phòng; Cảnh sát viên Cảnh sát biển; Công chức Hải quan; Kiểm lâm viên; Công chức Thuế; Kiểm soát viên thị trường; Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Chấp hành viên thi hành án dân sự.