Đề xuất mới về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần biết
Bổ sung đối tượng tham gia, linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp… là một trong những điểm mới đáng chú ý được nêu tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự thảo có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: "khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp".
Giai đoạn 2015-2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm), đến năm 2023, số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động lao động trong độ tuổi. Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN là một thách thức lớn.
Theo Luật Việc làm hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN (đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc). Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.
Vì những lý do trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; Người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Hiện nay, Luật Việc làm quy định mức đóng BHTN của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Do đó, chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng BHTN, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái khi Quỹ kết dư lớn.
Thực tế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ BHTN.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi mức đóng BHTN theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Sửa đổi chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động
Nghị quyết số 28-NQ/TW quy định: "Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động"; Nghị quyết số 42-NQ/TW quy định: "Chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để duy trì việc làm bền vững; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp".
Quy định về điều kiện để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn khá chặt chẽ, do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này.
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ đã mở rộng một trong các điều kiện hưởng chế độ này theo hướng đơn vị thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động, đến nay có 66 đơn vị được hỗ trợ 38,87 tỷ đồng từ nguồn Quỹ BHTN để đào tạo duy trì việc làm cho 8.230 người lao động, tuy nhiên số doanh nghiệp được hỗ trợ còn thấp. Do đó, cần sửa đổi Luật Việc làm để tăng cường hơn nữa hỗ trợ người sử dụng lao động từ Quỹ BHTN.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng: Quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ trong các trường hợp: Vì lý do kinh tế theo quy định tại Bộ luật Lao động; Thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh; Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định của Bộ luật Lao động. Quy định điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động dễ tiếp cận chính sách (bao gồm điều kiện về đóng đủ BHTN; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt).
Sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm.
Chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Đồng thời, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (ví dụ: chi phí ăn ở, đi lại, …) dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.