Đề xuất mới về cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước
Tại dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất sắp xếp, kiện toàn, giảm số lượng các tổ chức, đơn vị thuộc KBNN Trung ương từ 14 xuống 13 tổ chức, đơn vị.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg, bộ máy của KBNN gồm: 14 tổ chức, đơn vị (12 tổ chức hành chính và 02 đơn vị sự nghiệp công lập) tại Trung ương; KBNN ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; KBNN ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương), Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án kiện toàn, sắp xếp hệ thống KBNN như sau:
Đối với cơ quan Kho bạc Nhà nước Trung ương: Kiện toàn Vụ Kho quỹ và các đơn vị liên quan. Cụ thể, tổ chức lại Vụ Kho quỹ thành Cục Thanh toán – Kho quỹ
Về chức năng, nhiệm vụ: Trên cơ sở những bất cập trong công tác quản lý thanh toán, việc kiện toàn một đơn vị cấp Vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý thanh toán theo mô hình tập trung là hết sức cấp thiết nhằm tập trung, chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả công tác thanh toán và quản lý công tác thanh toán của hệ thống KBNN, giúp KBNN thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ về quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước được giao theo quy định của pháp luật. Theo đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển một số nhiệm vụ liên quan đến công tác thanh toán về Vụ Kho quỹ và tổ chức lại Vụ Kho quỹ thành Cục Thanh toán – Kho quỹ.
Việc điều chuyển nhiệm vụ liên quan đến công tác thanh toán về Vụ Kho quỹ đảm bảo gắn kết giữa nhiệm vụ quản lý thanh toán không dùng tiền mặt với quản lý thanh toán dùng tiền mặt của Vụ Kho quỹ. Ngoài ra, Vụ Kho quỹ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn kho, quỹ; quản lý giấy tờ có giá, tiền, tài sản quý theo quy định pháp luật. Cùng với việc kiện toàn nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ tổ chức lại Vụ Kho quỹ thành Cục Thanh toán – Kho quỹ thuộc KBNN.
Việc thành lập Cục Thanh toán - Kho quỹ đảm bảo đáp ứng các tiêu chí thành lập Cục, cụ thể:
Đối tượng quản lý của Cục Thanh toán - Kho quỹ là các đơn vị KBNN làm công tác thanh toán trong phạm vi cả nước.
Trường hợp thành lập Cục Thanh toán - Kho quỹ, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) dự kiến bố trí khoảng 45 biên chế công chức để đảo bảo thực hiện nhiệm vụ nêu trên. Số lượng biên chế của Cục Thanh toán - Kho quỹ do Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) cân đối trong tổng biên chế được giao.
Kiện toàn các đơn vị liên quan
Sau khi điều chuyển nhiệm vụ liên quan đến công tác thanh toán về Cục Thanh toán – Kho quỹ (trừ nhiệm vụ xây dựng chế độ kế toán thanh toán), Bộ Tài chính dự kiến cắt giảm 01 phòng của Cục Kế toán Nhà nước (còn 03 phòng) và Cục Kế toán Nhà nước cần thiết bố trí từ 40 đến 45 biên chế công chức để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu.
Đối với một số đơn vị khác như Cục Công nghệ thông tin, Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước, Vụ Tổng hợp – Pháp chế do chỉ điều chỉnh một mảng nhiệm vụ nhỏ của đơn vị liên quan đến công tác thanh toán sang Cục Thanh toán - Kho quỹ nên tiếp tục duy trì các đơn vị này đảm bảo đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định.
Chuyển Vụ Thanh tra – Kiểm tra sang mô hình Thanh tra
Thực hiện quy định tại Luật Thanh tra, Nghị định của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chuyển Vụ Thanh tra – Kiểm tra của Kho bạc Nhà nước sang mô hình Thanh tra.
Thanh tra KBNN có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại KBNN theo quy định pháp luật.
Về tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính dự kiến tổ chức Thanh tra KBNN gồm 04 phòng gồm: (1) Phòng Thanh tra; (2) Phòng Kiểm tra – Giám sát; (3) Phòng Xử lý sau Thanh tra; (4) Phòng Tổng hợp.
Giải thể Trường Nghiệp vụ Kho bạc
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030; ngày 28/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2073/QĐ-BTC về việc chuyển nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Trường Nghiệp vụ Kho bạc trực thuộc KBNN về Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính kể từ ngày 01/12/2021. Theo đó, KBNN đã thực hiện bàn giao nhiệm vụ, sắp xếp, điều chuyển nhân sự, giải quyết các chế độ, chính sách cho viên chức của Trường Nghiệp vụ Kho bạc theo quy định. Từ ngày 01/01/2022, Trường Nghiệp vụ KBNN chính thức dừng hoạt động theo Quyết định số 2074/QĐ-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Do đó, để phù hợp với chủ trương của Đảng, quy hoạch các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Thủ tướng Chính phủ và thực tế tổ chức bộ máy hiện nay của KBNN, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giải thể Trường Nghiệp vụ kho bạc theo đúng quy định.
Đổi tên một số đơn vị
Để bao quát chức năng của đơn vị, thuận lợi trong triển khai hoạt động, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ đổi tên Vụ Hợp tác quốc tế thành Vụ Đối ngoại – Truyền thông; Cục Công nghệ thông tin thành Cục Công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Tạp chí Quản lý Ngân quỹ quốc gia thành Tạp chí Kho bạc Nhà nước thuộc Kho bạc Nhà nước.
Sau khi sắp xếp, kiện toàn, số lượng các tổ chức, đơn vị thuộc KBNN giảm 01 đơn vị (từ 14 xuống 13 tổ chức, đơn vị). Các đơn vị còn lại đảm bảo đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 101/2020/NĐ-CP) và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.