Đề xuất mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 - 35 nền kinh tế lớn thế giới

Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu đề xuất mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm từ 30 - 35 nền kinh tế lớn trên thế giới, nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình cao vào phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Sáng 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cuộc họp cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chủ trì phiên họp giữa Thường trực Chính phủ với Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chủ trì phiên họp giữa Thường trực Chính phủ với Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội yêu cầu Thường trực Tiểu ban tiếp thu, giải trình và bổ sung các nội dung, hoàn thiện thêm một bước dự thảo Báo cáo để xin ý kiến Bộ Chính trị. Tiếp đó, trình Hội nghị Trung ương lần thứ 10 sắp tới để xin ý kiến Đại hội Đảng các cấp, trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Đáng chú ý, đối với phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp thu nội dung "ổn định để phát triển"; đổi mới tư duy phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm tính vượt trước dẫn đường, bứt phá trong một số lĩnh vực, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện có tính khả thi; đề xuất mục tiêu đưa nước ta thuộc nhóm từ 30 - 35 nền kinh tế lớn trên thế giới, nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.

Từ một nền kinh tế lạc hậu, hiện Việt Nam đã vươn lên lọt vào 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Sự tin tưởng của người đứng đầu Chính phủ hoàn toàn có cơ sở, đồng nhất với các ý kiến dự báo của nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.

Năm 2017, báo cáo nghiên cứu "The World in 2050" (Thế giới năm 2050) của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) dự báo GDP tính theo PPP của Việt Nam đến năm 2050 đứng thứ 20 thế giới với mức 3.176 tỉ USD. Tuy nhiên, trong nhận định gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ mất khoảng 5 năm nữa, Việt Nam sẽ đạt được vị trí này.

Cụ thể, theo dữ liệu từ IMF, năm 2023, GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) Việt Nam ở mức 1.438 tỷ USD, xếp thứ 25/192 trên thế giới. GDP bình quân (PPP) đầu người đạt khoảng 14.342 USD, xếp thứ 108/192 trên thế giới. Giai đoạn 2024 - 2029, IMF dự báo quy mô GDP (PPP) và GDP bình quân (PPP) đầu người của Việt Nam sẽ liên tục cải thiện thứ hạng. Đặc biệt, vào năm 2029, GDP (PPP) Việt Nam sẽ đạt được con số tuyệt đối khoảng 2.343 tỷ USD, vượt qua Australia và Ba Lan, bước vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng với Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Đức, Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Mexico, Ý, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Tây Ban Nha, Canada, Ai Cập và Bangladesh.

Trước đó, giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong một sự kiện tổ chức từ đầu năm cũng đánh giá Việt Nam là nền kinh tế đang cải cách mạnh mẽ, tập trung vào các ngành công nghệ cao, chế tạo, thúc đẩy phát triển xanh, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, ... sẽ sớm trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/de-xuat-muc-tieu-dua-viet-nam-thuoc-nhom-30-35-nen-kinh-te-lon-the-gioi-1102235.html