Đề xuất nam giới được nghỉ lâu hơn khi vợ sinh, hưởng chế độ thai sản

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng số ngày nghỉ của nam giới có vợ sinh con lên tối thiểu 10 ngày với trường hợp thông thường và nhiều hơn với trường hợp thai phụ sinh đôi trở lên hoặc sinh phải phẫu thuật.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Thành phố Cần Thơ) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Thành phố Cần Thơ) phát biểu tại hội trường.

Thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại hội trường sáng 27/5, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến về chế độ thai sản.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Thành phố Cần Thơ) phát biểu, Điều 98 khoản 1 dự thảo Luật quy định, các đối tượng được hưởng bảo hiểm thai sản là lao động nữ sinh con, lao động nam có vợ sinh con... Tuy nhiên tại khoản 3 quy định, trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con.

“Tôi cho rằng với trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và sinh con chung thì đều được hưởng chế độ thai sản nhằm đảm bảo công bằng. Điều này cũng đảm bảo tính hấp dẫn của chính sách trên nguyên tắc đóng nhiều thì được hưởng nhiều,” đại biểu Nghĩa nêu ý kiến.

Về chế độ khám thai, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, tại Điều 53 khoản 1 quy định: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho một lần khám thai”.

Thực tế qua tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động, đại biểu nhận thấy có nhiều ý kiến đối với nội dung này. Theo bà, khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ, bác sĩ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày. Đó là nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày... phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi.

Để linh hoạt và đảm bảo hơn cho phụ nữ lao động đang mang thai, đại biểu đề nghị có thêm sự lựa chọn. Có thể nghỉ tối thiểu 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc quy định nghỉ tối đa 10 ngày. “Hoặc như có đại biểu đề xuất tăng số lần khám thai lên 9 - 10 lần,” bà Nhi nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn TP HCM), quy định khám thai cho người lao động nên chia ra thai bình thường và thai bệnh lý. Thai bình thường có thể là 5 lần đi khám nhưng thai bệnh lý thì nên để bác sĩ quyết định nên nghỉ bao nhiêu ngày.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cũng đề nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai tối thiểu là 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

“Trên thực tế, người lao động mang thai bình quân theo chỉ định của bác sĩ thì cứ một tháng phải đi khám một lần, chưa kể những tháng cuối phải đi khám thường xuyên hơn. Nếu quy định chỉ có 5 lần thì nhiều lần lao động nữ phải xin nghỉ phép không lương,” bà Lam nói.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam góp ý thêm về quy định lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ chế độ thai sản. Bà đề nghị tăng số ngày nghỉ lên tối thiểu 10 ngày với trường hợp thông thường và nhiều hơn với trường hợp sinh đôi trở lên hoặc sinh phải phẫu thuật để đảm bảo tính trách nhiệm và tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ chăm sóc con nhỏ.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/de-xuat-nam-gioi-duoc-nghi-lau-hon-khi-vo-sinh-huong-che-do-thai-san-post35019.html