Đề xuất nâng dần mức đóng bảo hiểm y tế
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), một trong những nội dung mới đáng chú ý là đề xuất nâng dần mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) khi đủ điều kiện.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách luật, Bộ cho rằng mức đóng trên chưa tương xứng với mức hưởng. Trong khi đó, tổng chi Quỹ BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước và nhu cầu mở rộng phạm vi chi trả ngày càng lớn. Những năm tới, Quỹ sẽ tăng chi do thực hiện tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, trong khi luật chưa có cơ chế và lộ trình để tăng dần mức đóng. Bộ Y tế nêu quan điểm, trong thời gian tới, cần cân nhắc có lộ trình nâng dần mức đóng BHYT khi có đủ các điều kiện về kinh tế - xã hội.
Sở dĩ Bộ Y tế đưa ra quan điểm này là bởi Luật BHYT hiện hành đang quy định mức đóng tối đa lên đến 6%, nhưng chưa có cơ chế và lộ trình để Chính phủ có căn cứ tăng mức đóng, trong khi nhu cầu mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT ngày càng cao. Hơn nữa, mức đóng, mệnh giá trung bình của thẻ BHYT của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Quỹ BHYT được hình thành từ nguồn đóng của người tham gia BHYT, tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư của Quỹ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, tiền lãi phạt chậm đóng và các nguồn thu hợp pháp khác. Số thu BHYT tế trong năm được phân bổ và sử dụng 90% cho khám, chữa bệnh; 10% số tiền đóng BHYT dành cho quỹ dự phòng, và chi phí quản lý Quỹ BHYT, trong đó dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, tuy Quỹ BHYT còn kết dư, nhưng như đã đề cập trước đó, chủ yếu do các năm 2020 - 2022 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên người tham gia BHYT có phần hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh.Tuy nhiên trong những năm tới, dự kiến sẽ có sự gia tăng chi đáng kể từ Quỹ BHYT, do tăng giá dịch vụ y tế khi thực hiện tính đúng, tính đủ các cấu phần chi phí, tăng mức quyền lợi được hưởng khi có điều chỉnh trong chính sách BHYT, và tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.
Cùng với đó, xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Hệ thống y tế phải đối diện với mô hình bệnh tật phổ biến ở nhóm người cao tuổi, như các bệnh không lây nhiễm mạn tính, với chi phí điều trị tốn kém. Nếu chưa có sự điều chỉnh kịp thời về mức đóng, dự kiến sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối thu chi trong năm, cũng như trong tương lai khó bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHYT.
Để khắc phục được vấn đề bất cập nêu trên, cũng tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế nêu 3 phương án được đề xuất giả định để giải quyết vấn đề. Sau khi đánh giá những tác động của từng phương án, Bộ Y tế đã đề xuất lựa chọn phương án 3 vì không gây tăng chi từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp lẫn hỗ trợ thân nhân người lao động. Lộ trình tăng như hai phương án đầu sẽ được cân nhắc trong lần sửa đổi tổng thể Luật BHYT sau này khi đủ điều kiện kinh tế - xã hội và thời gian nghiên cứu.
Cụ thể, phương án 3 giữ nguyên quy định hiện hành mức đóng tối đa 6%, chưa tính đến lộ trình tăng, nhưng giao Chính phủ quy định khi cần thiết. Phương án này không làm tăng chi phí của xã hội song rất khó để Chính phủ quyết định thời điểm tăng do luật không quy định.
Theo Bộ Y tế, phương án giữ nguyên quy định như Luật hiện hành sẽ không gây tăng chi từ ngân sách nhà nước, cũng như tăng chi cho doanh nghiệp, để hỗ trợ nhóm thân nhân người lao động. Điều này phù hợp với thực tiễn khi nguồn thu ngân sách còn hạn chế và các doanh nghiệp cũng còn khó khăn, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19.
“
Thời gian dự kiến trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, vào tháng 5/2024.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-xuat-nang-dan-muc-dong-bao-hiem-y-te-10274009.html