Đề xuất ngân sách chi trả 1.879 tỷ đồng để xóa 2 trạm BOT trên Quốc lộ 91
Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 – Km50+889 sẽ không thể hoàn được vốn do những thay đổi lớn liên quan đến quy hoạch giao thông trong vùng.
Trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 91.
Bộ Giao thông - Vận tải vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý bất cập các trạm thu phí thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+00 đến Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí ngân sách nhà nước khoảng 1.879 tỷ đồng để chi trả cho nhà đầu tư, xóa trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91 và giao bộ này chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, quyết toán giá trị hoàn thành công trình và các chi phí liên quan dự án, đàm phán với nhà đầu tư để xác định chi phí đúng quy định hợp đồng dự án, tuân thủ quy định pháp luật.
Để thuận tiện trong quản lý theo quy hoạch của đô thị, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị của UBND TP. Cần Thơ về việc tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến Quốc lộ 91B thuộc thành phố Cần Thơ. Giao Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính hoàn tất các thủ tục để bàn giao đoạn tuyến QL91B theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đề xuất người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu cân đối nguồn vốn phù hợp, khả thi trong quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục thanh toán vốn Nhà nước thực hiện theo các quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 và hạng mục mở rộng và tăng cường nền mặt đường Quốc lộ 91B đoạn Km0+00 - Km15+793 được đầu tư theo chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn tuyến Quốc lộ 91 từ tháng 4/2016 và đoạn tuyến Quốc lộ 91B từ tháng 12/2016 đúng theo tiến độ, đúng quy định pháp luật và bảo đảm mục tiêu hiệu quả đầu tư dự án.
Tổng mức đầu tư Dự án được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt là 1.720,337 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và đánh giá dự án thực hiện tuân thủ quy định pháp luật, giá trị công trình hoàn thành đến thời điểm năm 2017 là 1.651,075 tỷ đồng.
Đến nay, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt quyết toán cơ bản hoàn thành với giá trị 1.550,481 tỷ đồng (Quốc lộ 91 là 1.100,795 tỷ đồng, Quốc lộ 91B là 449,686 tỷ đồng). Còn lại 35,124 tỷ đồng chi phí GPMB, UBND thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm thực hiện quyết toán.
Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, trong thời gian từ năm 2016 đến 2017, công tác thu phí diễn ra bình thường và ổn định. Sau thời gian này, đã phát sinh vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91 dẫn đến ảnh hưởng việc thu phí hoàn vốn, không bảo đảm phương án tài chính của dự án.
Các yếu tố ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án bao gồm: ảnh hưởng mất an ninh trật tự khi tổ chức thu phí hoàn vốn dự án; ảnh hưởng do đầu tư các tuyến đường bộ, đường cao tốc trong vùng; giảm giá vé cho các phương tiện loại 4 và nhóm 5, giảm giá vé cho các phương tiện lân cận trạm theo chủ trương của cấp có thẩm quyền; không được tăng giá vé theo lộ trình; ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việc doanh thu sụt giảm do cơ chế chính sách dẫn tới dự án không đủ trả vốn vay, lãi cho ngân hàng, chưa trả lợi nhuận nhà đầu tư theo quy định hợp đồng, doanh nghiệp dự án đã và đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung vốn để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch.
Hiện nay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nhơn Trạch là ngân hàng tài trợ vốn đã đánh giá nhóm nợ khoản vay của dự án xuống nhóm 5 (là nợ có khả năng mất vốn, nợ xấu) do “khách hàng hoạt động trên 3 năm có lợi nhuận sau thuế âm trong 2 năm liên tiếp, suy giảm nguồn trả nợ”.
Phía ngân hàng cũng đã không tiếp tục giải ngân để thực hiện công tác bảo trì dẫn đến tuyến đường có nguy cơ xuống cấp sẽ gây mất an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kể từ khi dừng thu phí tại trạm T2 và chỉ thu phí hoàn vốn tại trạm T1, doanh thu sụt giảm rất lớn (năm 2020 đạt 50% và năm 2021 còn 36% doanh thu so với phương án tài chính dự án đã ký).
Doanh thu thu phí trạm T1 sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng của các tuyến đường được trung ương và địa phương đầu tư, phá vỡ phương án tài chính, không bảo đảm hoàn vốn chủ sở hữu, vốn vay và các chi phí liên quan, khiến cho nhà đầu tư có nguy cơ phá sản và khoản vay trở thành nợ xấu.
Bản thân nhà đầu tư đã nhiều lần trực tiếp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải tháo gỡ khó khăn để bảo đảm phương án trả nợ với ngân hàng, ổn định thu phí theo quy định hợp đồng dự án.
Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã tính đến phương án xóa bỏ trạm thu phí T2 và tiếp tục thu phí tại trạm thu phí T1 trên Quốc lộ 91.
Tuy nhiên, phương án này không khả thi, không giải quyết dứt điểm tồn tại dự án do chỉ thu phí tại trạm T1 không bảo đảm doanh thu theo hợp đồng đã ký dẫn đến phá vỡ phương án tài chính và không thể hoàn vốn (trạm thu phí T1 bị ảnh hưởng của việc xóa trạm thu phí T2; ảnh hưởng của việc đầu tư xây dựng Đường tỉnh 922, Đường vành đai phía tây thành phố Cần Thơ do UBND TP. Cần Thơ đầu tư; ảnh hưởng của cơ chế chính sách do giảm giá và chưa được tăng phí; tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do trung ương đầu tư sớm hơn so với quy hoạch được duyệt).