Đề xuất nghiên cứu khoa học cần đáp ứng được các tiêu chí đánh giá

Sáng 21/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì phiên họp Hội đồng khoa học Bộ cho ý kiến về Danh mục đề xuất đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2022 của Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.

Báo cáo tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết, theo nội dung đề xuất của các đơn vị và thành viên Hội đồng khoa học Bộ, Viện Khoa học pháp lý đã tiến hành thống kê, phân loại tổng số 41 đề xuất theo 5 lĩnh vực: Nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền XHCN, quyền con người và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; nghiên cứu phục vụ trực tiếp xây dựng thể chế và quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp; nghiên cứu phục vụ hội nhập quốc tế về tư pháp, pháp luật; nghiên cứu về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật và các đề xuất khác.

Trên cơ sở định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025, bám sát bối cảnh của đất nước và của Bộ, ngành Tư pháp và sự kế thừa các hướng nghiên cứu khoa học đã thực hiện trước đây, tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia, Viện đã xây dựng tiêu chí để đánh giá, xác định thứ tự ưu tiên đối với các đề xuất nghiên cứu. Cụ thể, việc đánh giá, xác định thứ tự ưu tiên nhiệm vụ khoa học cấp Bộ năm 2022 của Bộ Tư pháp dựa trên 4 tiêu chí.

Về tính cấp thiết và tính liên quan, nội dung đề xuất phải liên quan trực tiếp tới việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp đồng thời cần được nghiên cứu ngay để cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn giải quyết các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành ở thời điểm triển khai đề tài, đề án. Thời điểm triển khai nhiệm vụ khoa học năm 2021 cũng là thời điểm đẩy mạnh triển khai các nội dung về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Do vậy, các nhiệm vụ khoa học năm 2022 về cơ bản phải tập trung phục vụ việc xây dựng và triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, nhất là nội dung về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Trong Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ cũng đã chính thức giao cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan triển khai Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Cùng với đó, các nhiệm vụ đề xuất phải đảm bảo tính mới, góp phần bổ sung, phát triển quan điểm lý luận mới trong khoa học pháp lý hoặc đề xuất giải pháp mới để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp và chưa được Bộ Tư pháp hoặc các Bộ, Ngành có liên quan nghiên cứu trong ít nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Nhiệm vụ đề xuất phải góp phần xử lý được những hạn chế, vướng mắc, bất cập về nhận thức lý luận hoặc trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là trong thực tiễn xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay; sản phẩm, kết quả đầu ra phải cụ thể và có địa chỉ ứng dụng rõ ràng. Nhiệm vụ đề xuất còn phải có quy mô và tính chất phù hợp với quy mô, tính chất của đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long cơ bản thống nhất với các tiêu chí lựa chọn đề tài, trong đó lưu ý tới tính cần thiết, cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Bộ, ngành đặt ra. Bộ trưởng cũng đã cho ý kiến cụ thể với từng đề tài. Đặc biệt, đối với nhóm đề tài nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền XHCN, quyền con người và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị đặt ra của toàn Ngành, các đề tài cần bám sát nội dung Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020… Do đó, phạm vi các đề tài cần phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nội hàm cần cân nhắc đến nội dung về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, kinh nghiệm xây dựng nhà nước pháp quyền, gắn với chương trình hành động của Chính phủ về triển khai Nghị quyết đại hội XIII của Đảng…

Bảo Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/de-xuat-nghien-cuu-khoa-hoc-can-dap-ung-duoc-cac-tieu-chi-danh-gia-592683.html