Đề xuất nhấn mạnh hơn ý nghĩa của chuyển đổi số trong hệ thống Mặt trận
Với quan điểm chuyển đổi số là động lực đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, một số đại biểu đề nghị nội dung này được thể hiện sâu sắc trong báo cáo tại Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh hơn ý nghĩa của chuyển đổi số trong hệ thống Mặt trận...
Hôm nay, 5/9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (T.Ư MTTQ) Việt Nam lần thứ 10, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và các Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, Hội nghị được tổ chức nhằm tập trung bàn bạc thống nhất một số nội dung rất quan trọng thuộc thẩm quyền để chuẩn bị tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực đã cụ thể hóa thành Đề án, Kế hoạch và hướng dẫn cụ thể; phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng chỉ đạo tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, về cơ bản đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Đến nay, đã hoàn thành Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam Nam cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh (TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Đại hội vào trung tuần tháng 9/2024, khi đó là hoàn thành tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp).
"Đại hội MTTQ các cấp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị mang tính xã hội sâu sắc, nhận được sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, đã góp phần rất quan trọng để củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới" - ông Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng cho hay, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đã được lấy ý kiến rộng rãi cả trong và ngoài hệ thống Mặt trận, đến nay cơ bản đã hoàn thiện, tại cuộc họp hôm nay trình Ủy ban xin ý kiến để tiếp thu, hoàn thiện lần cuối trước khi trình Đại hội lần thứ X.
Dự kiến Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X sẽ được tổ chức trong 3 ngày 16, 17, 18/10/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày Tờ trình xin ý kiến về nội dung một số dự thảo văn bản trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 (Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ, chương trình, quy chế làm việc).
Trong đó cho biết, quá trình xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị được tiến hành bài bản, công phu, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, nhiều bước, nhiều vòng qua các lần dự thảo và đã nhận được hàng ngàn lượt ý kiến tham gia. Đảng đoàn MTTQ Việt Nam có Tờ trình báo cáo, trình Ban Bí thư cho ý kiến về Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Tại phiên họp ngày 16/8/2024, Ban Bí thư thống nhất đánh giá cao việc Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thành công Đại hội Mặt trận các cấp; chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung các văn kiện, đề án nhân sự, chương trình Đại hội và những yếu tố bảo đảm khác để tổ chức Đại hội lần thứ X; đồng thời cơ bản nhất trí nội dung báo cáo và đề xuất, kiến nghị tại Tờ trình.
Căn cứ văn bản của Văn phòng T.Ư Đảng thông báo ý kiến Ban Bí thư về nội dung tổ chức Đại hội; trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ban Thường trực đã tiếp thu, bổ sung trong dự thảo Báo cáo chính trị và đã xây dựng các phụ lục về số liệu, kết quả tiêu biểu, nổi bật của các tổ chức thành viên và Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương để minh họa cho Báo cáo chính trị.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, ngày 4/9/2024, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 20 khóa IX, nhiều ý kiến đánh giá dự thảo Báo cáo chính trị có chất lượng, tính khái quát cao, đánh giá xuyên suốt nhiệm kỳ, là cơ sở để quá trình triển khai được bảo đảm, dễ hậu kiểm.
Tuy nhiên, đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị tiếp tục hoàn thiện về chủ đề Đại hội để bao quát đủ các thành tố gắn với mục tiêu tổng thể phát triển đất nước và với vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; tiếp tục phản ánh thực chất, sâu sắc tâm trạng xã hội, ý đảng, lòng dân, những thách thức đang đặt ra với khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, đánh giá kết quả nổi bật trong công tác giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục cân nhắc thêm về bài học kinh nghiệm; hoàn thiện sớm để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân thông qua các kênh thông tin chủ lực của Mặt trận…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã trình bày Tờ trình xin ý kiến Danh sách dự kiến nhân sự tham gia Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Theo đó, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã thống nhất nội dung của Đề án nhân sự và đánh giá cao công tác chuẩn bị nhân sự Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029. Hội nghị nhất trí với việc phát triển số lượng Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X là phù hợp tình hình đổi mới, phát triển của đất nước; phù hợp với số lượng Ban Bí thư đã thông qua, với 405 vị, tăng không quá 5%; nhân sự tập hợp được đầy đủ các cơ cấu, thành phần.
Số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch là 72 vị, tăng 10 vị so với khóa IX (bằng 17,8% tổng số Đoàn Chủ tịch trên tổng số Ủy viên Ủy ban; khóa IX tỷ lệ 16,1%).
Khơi đậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào nội dung dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội; nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam; dự kiến nhân sự tham gia Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029...
Đáng chú ý, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, dự thảo Báo cáo chính trị của nhiệm kỳ cần tập trung vào nội dung “nhìn lại 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng”. Bởi lẽ, đây không chỉ là cách nhìn của Mặt trận trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong 40 năm trên vai trò, vị trí chức năng nhiệm vụ của mình mà còn nhìn lại những thành tựu đạt được và nhận diện những gì cần quan tâm khắc phục, nhằm góp phần bổ sung vào nội dung văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIV sắp tới đối với nội dung tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Đảm, so với yêu cầu, mong muốn hiện nay, Mặt trận còn phải phấn đấu hơn nữa kể cả trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thực hiện vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình.
“Chúng ta tự hào nhưng không được tô hồng; phải đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc để vươn lên. Thời gian tới, MTTQ Việt Nam cần khơi đậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện khát vọng của Đảng, của Bác Hồ và dân tộc ta giữ vững độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh, trước mắt là thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra. Từ đó hoàn thiện và cụ thể hơn thể chế để phát huy vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới, đổi mới nội dung phương thức hoạt động sao cho thiết thực, phong phú hơn, để Mặt trận đem lại hạnh phúc cho Nhân dân”- nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị.
Nêu ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân đề cập tới hoạt động đối ngoại Nhân dân trong thời kỳ mới với 3 nhiệm vụ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Trong đó, đối ngoại Nhân dân của Mặt trận là hoạt động đối ngoại mang tính chất nòng cốt, nên trong Báo cáo chính trị cần làm sâu sắc, nổi bật thêm yếu tố này.
Đồng thời, Báo cáo chính trị cần đề cập tới việc đẩy mạnh chuyển đổi số, biến nó thành hành động, ý chí của toàn dân trong chuyển đổi số. Muốn làm được việc này, chúng ta phải tuyên truyền mạnh mẽ như trong đại dịch Covid-19, bởi đây là cơ hội duy nhất để nước ta tiến sát hơn với các nước khác. Nếu cứ tiếp tục làm kinh tế truyền thống, chúng ta sẽ tiếp tục xa dần và ngày càng lạc hậu so với thế giới.
Đặc biệt, cùng quan điểm chuyển đổi số là động lực đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị nội dung này cần được thể hiện mạnh mẽ và sâu sắc hơn trong Đại hội X MTTQ Việt Nam. Trong chương trình hành động 6 đã nhắc đến chuyển đổi số, song cần nhấn mạnh hơn ý nghĩa trong hệ thống Mặt trận, bổ sung chỉ tiêu trong chuyển đổi số. Tài liệu của Đại hội cũng cần được thực hiện theo mã QR code, giảm thiểu việc in ấn bằng văn bản, từng bước sử dụng QR code cho việc cài đặt app Đại hội MTTQ Việt Nam. Ngoài ra, trưng bày ảnh nên gắn với số hóa 3D, vừa thể hiện sự trang trọng trong Đại hội vừa khẳng định trách nhiệm, quyết tâm của Mặt trận tham gia chuyển đổi số.
Trong công tác nhân sự, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhất trí với phương án tăng số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban... để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để bồi dưỡng nguồn cán bộ Mặt trận. Song, với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, cần quan tâm hơn đến Chủ tịch MTTQ cấp xã, cơ cấu vào Ban Thường vụ cấp ủy (hiện đang là Chỉ huy trưởng quân sự hoặc Chủ tịch Mặt trận cấp xã- ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ Mặt trận) tạo điều kiện hoạt động, qua đó khẳng định vị thế của Mặt trận hiện nay.