Đề xuất nhập cảnh thông qua nhận diện khuôn mặt
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công An nghiên cứu đề xuất nhập cảnh qua thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport).
Trong Chỉ thị 08/CT-TTg vừa được ban hành ngày 23/2 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch trong thời gian tới cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW để thúc đẩy phát triển Du lịch Việt Nam với phương châm "Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững".
Đề xuất áp dụng thủ tục xuất nhập cảnh thông qua nhận diện khuôn mặt
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai áp dụng các giải pháp về tự động hóa trong việc giải quyết thủ tục, tạo sự thuận lợi cho du khách. Trong đó nhấn mạnh việc nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) cho khách du lịch. Bên cạnh đó, Bộ Công an xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế.
Trong năm 2023, Cục Hàng không Việt Nam đã áp dụng thí điểm việc sử dụng camera nhận diện khuôn mặt để làm thủ tục hàng không tại sân bay Phú Bài, Nội Bài, Cát Bi. Hành khách qua cửa an ninh sẽ đưa căn cước công dân gắn chip qua máy quét, sau đó camera sẽ quét nhận diện khuôn mặt của khách và đối chiếu với hình ảnh gốc trong kho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút khách du lịch từ các thị trường tiềm năng, Bộ Công An phối hợp cùng các đơn vị nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi: về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng.
Trong đó, thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như Châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.
Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển
Sau Covid-19, ngành du lịch Việt đã từng bước khôi phục và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên du lịch Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như những chính sách, cơ chế cần sửa đổi, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2019; chi tiêu cho mua sắm và các dịch vụ giải trí, du lịch còn thấp; liên kết phát triển du lịch giữa các cơ quan, địa phương còn chưa thường xuyên, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, giá dịch vụ chưa ổn định...
Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức như: nhu cầu, xu hướng du lịch đang thay đổi; cạnh tranh trong khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt; bất ổn chính trị; biến đổi khí hậu...
Thủ tưởng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch liên kết cùng hợp tác phát triển. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng giá trị du lịch, liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu. Các tổ chức và cá nhân phải niêm yết giá công khai và bán đúng giá, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm như chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật; triển khai các mô hình quản trị, hợp tác công - tư hài hòa; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, xây dựng mô hình "mỗi người dân là một đại sứ du lịch"...
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ và cơ quan ban ngành tăng cường kết nối hạ tầng, gia tăng trải nghiệm, giữ chân du khách. Thủ tướng yêu cầu Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch thời kì 2021-2030, Chương trình hành động du lịch xanh quốc gia...
Các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch ra thị trường quốc tế cũng được chú trọng. Các địa phương tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ chân khách du lịch, chú trong khai thác các phân khúc thị trường như du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch gôn, du lịch về đêm, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực, sức khỏe; xây dựng kế hoạch đẩy mạnh khai thác du lịch bằng đường biển, đường bộ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL hướng dẫn các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng, liên địa phương để thu hút và giữ chân du khách; phát triển đồng bộ cả du lịch bình dân, cao cấp và đặc biệt cao cấp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cũng được tạo điều kiện để chuyển đổi trong thời kỳ mới.
Các hiệp hội du lịch, hiệp hội ngành nghề phải đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các doanh nghiệp du lịch, người dân tham gia kinh doanh các dịch vụ có liên quan đến du lịch phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nâng cao thương hiệu du lịch Việt Nam.
Nguồn Znews: https://znews.vn/de-xuat-nhap-canh-thong-qua-nhan-dien-khuon-mat-post1461626.html