Đề xuất nhiệm vụ, quyền hạn mới của Cảnh sát giao thông khi chỉ huy, điều khiển giao thông

Từ những bất cập về thực tiễn giao thông, Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông nhằm phù hợp với những quy định trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Theo Bộ Công an Thông tư số 26/2017 ngày 22-8-2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2017 là cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến. Hướng dẫn người tham gia giao thông đi lại được trật tự, an toàn và chấp hành nghiêm chỉnh các quy tắc giao thông nhằm cụ thể hóa khoản 2 Điều 10 và khoản 3 Điều 37 Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Tuy nhiên, ngày 27-6-2024, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, tại khoản 14 điều 11, khoản 2 điều 70 và khoản 3 điều 74 có giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về công tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Ban hành Thông tư mới để phù hợp thực tiễn

Theo tờ trình Dự thảo, Bộ Công an cho biết qua 7 năm thực hiện, Thông tư số 26/2017 cơ bản vẫn còn phù hợp, đảm bảo với tình hình thực tế. Tuy nhiên, phát sinh một số vấn đề bất cập cần bổ sung, cập nhật phù hợp với thực tiễn, cụ thể như sau:

Thông tư số số 26/2017 chưa quy định chi tiết về việc phân công, phân cấp công tác chỉ huy, điều khiển giao thông. Việc sử dụng loa hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông và người điều khiển giao thông tại một số điểm, nút giao phức tạp, tầm nhìn che khuất, lưu lượng đông.

 Qua 7 năm thực hiện, Thông tư số 26/2017 cơ bản vẫn còn phù hợp, đảm bảo với tình hình thực tế, nhưng vẫn phát sinh một số bất cập. Ảnh: PHI HÙNG

Qua 7 năm thực hiện, Thông tư số 26/2017 cơ bản vẫn còn phù hợp, đảm bảo với tình hình thực tế, nhưng vẫn phát sinh một số bất cập. Ảnh: PHI HÙNG

Do tổ chức giao thông, điều kiện hạ tầng giao thông và kiến trúc tại các đơn vị, địa phương khác nhau nên việc quy định cụ thể về hình dáng, kích thước và vị trí đặt bục điều khiển giao thông và ô che mưa nắng tại các nút giao thông. Từ đó sẽ gây cản trở lớn trong việc lưu thông các dòng phương tiện, khó khăn trong việc di chuyển bục và bảo quản các thiết bị.

Với trình độ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông là rất cần thiết. Nhất là việc kết nối với các trung tâm điều hành, giám sát giao thông và các thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông; vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông,...

Từ những nội dung nêu trên cho thấy, việc ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (thay thế Thông tư số số 26/2017) là rất cần thiết.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát

Tại Điều 5 dự thảo Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông và trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát khác, người được giao nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông.

Theo đó, nhiệm vụ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh); kế hoạch hoặc phương án của Trưởng phòng hướng dẫn tổ chức, điều khiển giao thông và dẫn đoàn thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Cảnh sát giao thông), Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Trưởng Công an cấp huyện);

Chỉ huy, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến, phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến giao thông, địa bàn được phân công theo quy định;

Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

 Bộ Công an đề xuất thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Bộ Công an đề xuất thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông, tổ chức cấp cứu người bị nạn và phối hợp giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật;

Phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;

Phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự để kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời;

Quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến, nơi tạm dừng xe, đỗ xe khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự;

Trong phạm vi, địa bàn được phân công hoặc theo kế hoạch, mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền được dừng phương tiện có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Theo đó để kiểm tra, kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện, giấy tờ của người điều khiển phương tiện và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát (nếu người đó có hành vi vi phạm pháp luật) theo quy định của pháp luật;

Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự và các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông;

Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát, Công an phường, xã và các lực lượng khác

Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Công an phường và Công an xã có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi được yêu cầu;

Các lực lượng Cảnh sát, Công an phường, xã và các lực lượng khác khi được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các nút giao thông, các điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Có trách nhiệm hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến theo sự phân công của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông;

Lực lượng Cảnh sát điều tra, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi nhận được thông báo của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông về vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm hoặc sự cố liên quan đến cháy, nổ phương tiện phải kịp thời có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Các lực lượng khác khi được giao nhiệm vụ điều khiển giao thông trên đường bộ hoặc được cấp có thẩm quyền huy động bảo đảm an ninh, trật tự, phân luồng giao thông tại các nơi phức tạp về trật tự, an toàn giao thông phải sử dụng trang phục thống nhất, được trang bị còi, cờ hoặc gậy chỉ huy giao thông, được Cảnh sát giao thông tập huấn nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-nhiem-vu-quyen-han-moi-cua-canh-sat-giao-thong-khi-chi-huy-dieu-khien-giao-thong-post803361.html