Đề xuất nhiều chế độ, chính sách mới với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm

Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm còn dưới 24 tháng công tác sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, nếu không bố trí được vị trí công tác phù hợp thì được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

Không bị trừ tỉ lệ lương hưu

Theo dự thảo, cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi và được cấp có thẩm quyền đồng ý thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định về bảo hiểm xã hội và được hưởng thêm các chế độ.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ các chế độ gồm không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Được trợ cấp năm tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019

Được trợ cấp năm tháng tiền lương bình quân cho tổng số hai mươi năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội; từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân.

 Bộ Nội vụ đề xuất mới nhiều chế độ, chính sách với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ Nội vụ đề xuất mới nhiều chế độ, chính sách với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm. Ảnh: PHẠM THẮNG

Dự thảo cũng nêu rõ đối với cán bộ xếp lương chức vụ, nếu đã xếp lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm đủ 48 tháng thì được xếp lên bậc 2 của chức danh hiện đảm nhiệm để nghỉ hưu, thời gian nâng bậc lương trước thời hạn là 12 tháng.

Đối với cán bộ xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng ở ngạch hiện giữ và còn thiếu 1-12 tháng để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng.

Cũng theo dự thảo, tiền lương hiện hưởng là tiền lương tháng thực lĩnh liền kề trước khi nghỉ hưu. Tiền lương tháng thực lĩnh được tính bao gồm: Mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp trách nhiệm đối với ủy viên các cấp (nếu có).

Tiền lương bình quân được xác định bằng bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của năm năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Cán bộ còn dưới 24 tháng không tái cử được nghỉ chờ hưu

Về thời gian thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm nêu trên là trước đại hội hoặc trước thời điểm bầu cử không quá 12 tháng và chậm nhất sau đại hội hoặc kết thúc bầu cử một tháng.

Cạnh đó, dự thảo quy định cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm còn dưới 24 tháng công tác sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, nếu không bố trí được vị trí công tác phù hợp thì được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Với những cán bộ này, trong thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu, cán bộ được hưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp trách nhiệm đối với ủy viên các cấp (nếu có). Các chế độ khác thôi hưởng kể từ tháng liền kề sau tháng có quyết định nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Trường hợp cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm thuộc diện khi đang công tác được sử dụng thường xuyên ô tô con phục vụ công tác, nếu tham gia các cuộc họp, hội nghị hoặc đi khám chữa bệnh thì báo cơ quan nơi công tác để bố trí xe đưa đón.

Trường hợp cơ quan nơi công tác không bố trí được xe đưa đón thì chủ động phương tiện đi lại và được thanh toán theo quy định hiện hành.

Cán bộ trong thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nơi công tác nhưng không tính vào biên chế của cơ quan.

Cán bộ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, cơ quan quản lý cán bộ chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục để cán bộ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Việc xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại năm cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Kinh phí giải quyết chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Dự thảo nghị định do Bộ Nội vụ xây dựng và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới để có hiệu lực thi hành từ 1-1-2025, thay thế Nghị định 26/2015 về cùng nội dung.

Những đối tượng không áp dụng

Dự thảo cũng nêu rõ nghị định này không áp dụng với cán bộ thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Nghị định 29/2023 quy định về tinh giản biên chế.

Cán bộ đã có thông báo nghỉ hưu, quyết định nghỉ hưu của cấp có thẩm quyền hoặc cán bộ còn từ đủ sáu tháng trở lại, tính từ ngày tổ chức đại hội mà cán bộ tham gia cấp ủy đến ngày nghỉ hưu theo quy định.

Cán bộ không tái cử cấp ủy các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), được cấp có thẩm quyền bố trí tiếp tục làm công chức, viên chức trong các cơ quan của cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân áp dụng chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-nhieu-che-do-chinh-sach-moi-voi-can-bo-khong-tai-cu-tai-bo-nhiem-post823158.html