Đề xuất nhiều giải pháp thoát nước đô thị Đà Nẵng
Ngày 11-5, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học 'Đánh giá hiện trạng và đề xuất toàn diện quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt TP Đà Nẵng'. Hội thảo lần này tập trung đánh giá hiện trạng cao độ nền, khả năng thoát nước đô thị Đà Nẵng, xác định nguyên nhân, tình trạng ngập úng trên địa bàn đồng thời đề xuất toàn diện các giải pháp thoát nước đô thị Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cần vận dụng lợi thế tiêu thoát ra sông, biển
Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Đồ án) được thực hiện khá công phu, cập nhật các số liệu mới, có tính toán dựa vào luận cứ khoa học, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Mặc dù vậy, vẫn còn một số vấn đề cần phải hoàn chỉnh như cao độ san nền tại khu vực nội đô, quan điểm tính toán dòng chảy trong hệ thống thoát nước mưa.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến- Nguyên Cục trưởng cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng, Đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 cho thấy, các khu vực cũ, khu vực cải tạo cần đề xuất giải pháp xử lý, không nhất thiết phải đắp thêm để có cao độ nền tương ứng với tần suất thiết kế lũ 1% (mưa lũ cực đoan 100 năm xuất hiện một lần). Do đó, trong Đồ án cần làm rõ các khu vực được giữ nguyên cao độ nền, khu vực có sự thay đổi.
Các khu vực không đáp ứng được tần suất tính toán 1% thì cần bổ sung giải pháp thích ứng với ngập nước khi mưa quá lớn. "Hồ điều hòa đóng vai trò quan trọng ở các lưu vực thoát nước nhưng Đồ án chưa làm rõ được vai trò góp phần chứa, điều tiết nước mưa khi có mưa lớn. Cùng với đó, ở các khu vực bố trí công viên, vườn hoa, mảng cây xanh... cần được tận dụng làm nơi chứa nước mưa tạm thời, làm giảm ngập úng, thoát nước bền vững cho đô thị", PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến đề xuất.
Trong khi đó, GS.TS. Trần Viết Ổn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, Đà Nẵng là thành phố sát biển nên có ưu thế lớn trong vấn đề thoát nước. Chính vì vậy nên ưu tiên thoát nước ra biển và thoát phân tán. TS. Tô Thúy Nga - Giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm chế độ tự chảy của trạm bơm chống ngập cuối đường Ông Ích Khiêm, Thuận Phước và Trương Chí Cương.
Song song với đó là xây dựng quy trình vận hành của các hồ điều hòa, đầu tư các trạm đo mực nước tại cửa van… và tự động hóa trong vận hành; xây dựng thêm các tuyến cống để tăng khả năng thoát nước từ các khu vực ngập; xây dựng bản đồ ngập lụt hoặc ngập úng đô thị kèm theo các phương án ứng phó. Riêng phương án đầu tư cống thoát nước mưa từ lưu vực 2 cửa xả ven biển Mỹ Khê, Mỹ An và sông Hàn, qua tính toán liên quan đến lan truyền vật chất, nước mưa chảy ra sông Hàn sẽ không gây ô nhiễm môi trường; nhưng khi mưa quá lớn, 2 cửa xả này vẫn phải mở để nước mưa thoát ra bãi biển nhằm tránh gây ngập úng cho khu vực dân cư và hoạt động du lịch.
Liên quan đến việc phân vùng thoát nước, ông Nguyễn Hải Đường - Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho rằng, hiện nay sân bay Đà Nẵng quá rộng lớn nên cần mở thêm các tuyến cống ở lưu vực phía nam để đảm bảo thoát nước thay vì cải tạo cống. Ông Đường đề đề xuất làm tuyến thoát nước nối từ sân bay qua đường Hà Tông Quyền ra sông Cẩm Lệ chỉ dài hơn 600m và với khu vực thoát nước ven biển đường Võ Nguyên Giáp, cần ưu tiên đường thoát nước ngắn nhất ra biển, không nên đưa vào sông Hàn.
Hoàn chỉnh hạ tầng thoát nước theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo ông Phùng Phú Phong- Giám đốc Sở Xây dựng, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Đồ án, một số dự án đã và đang được triển khai thực hiện nhằm đáp ứng giải quyết thoát nước và tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, một số nội dung trong quy hoạch vẫn chưa bắt kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của thành phố và hệ thống thoát nước mặt chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong năm 2022 và 2023, tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan có cường độ lớn ngày càng nhiều, hầu như vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có.
Xuất phát từ thực tế này, UBND TP giao Sở Xây dựng, BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng tổ chức lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồ án quy hoạch được điều chỉnh sẽ xác định các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý và xác định cao trình xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể, các đường phố chính cấp đô thị có xét đến tác động biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng theo quy hoạch chung được duyệt. Đồ án cũng xác định hành lang thoát lũ cho các sông trên địa bàn TP ứng với tần suất thiết kế 1%, 2%; xác định cao độ mức nước lũ của các sông ứng với tần suất lũ 1%, 2%, 5%, 10% với bề rộng sông phù hợp; xác định sơ bộ khối lượng đào, đắp của các khu vực. TP cũng xác định các chương trình và dự án đầu tư ưu tiên, tổng mức đầu tư và phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn quy hoạch, quy mô, nguồn vốn đầu tư và các giải pháp huy động nguồn lực cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, nhìn về điều kiện địa hình, Đà Nẵng có thuận lợi, ưu thế cho việc thoát nước mưa. Tuy nhiên còn nhiều vùng là đô thị cũ, dân ở tới đâu hạ tầng đầu tư tới đó. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, một số hồ điều tiết lớn bị san lấp khiến cho việc tiêu thoát nước đô thị không như mong muốn, nhất là khi đối mặt với biến đổi khí hậu.
Đà Nẵng hiện đang đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Thời gian qua, tần số xuất hiện những cơn mưa cực đoan ngày càng nhiều, từ đó, địa phương thấy rõ được bất cập về cao trình, hệ thống thoát nước. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, TP tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, với mục tiêu cao nhất là đồ án thoát nước TP phải đảm bảo khoa học, có tính khả thi, phù hợp thực tiễn.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/de-xuat-nhieu-giai-phap-thoat-nuoc-do-thi-da-nang-post294930.html