Đề xuất nhiều giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên
Ngày 9/6, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Môi trường năm 2023, với chủ đề 'Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên', nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường Thế giới năm 2023. Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên hữu ích phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Nhà báo Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Môi trường năm 2023 cho biết, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa ở thành thị và nông thôn ngày càng nhanh chóng, kéo theo sự gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng xử lý rác thải và công tác bảo vệ môi trường.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị chiếm 60%, riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày phát thải từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Hiện có trên 70% lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó chỉ 15% được chôn lấp hợp vệ sinh, nên vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí mê tan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách về quản lý về môi trường và có nhiều nỗ lực tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, quan trọng nhất là Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã được Chính phủ ban hành. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình dự thảo để ban hành các Thông tư về kỹ thuật phân loại chất thải sinh hoạt. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách và đầu tư xây dựng những dự án phân loại rác sinh hoạt từ đầu nguồn thải.
Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều thách thức, khó khăn, tồn tại vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: Các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại; công tác tuyên truyền và triển khai chưa đồng bộ; thành phố mới dừng lại ở tuyên truyền, vận động là chính và chưa kiểm tra, xử phạt nghiêm minh. Vì vậy, Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, đưa ra các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt và những khó khăn vướng mắc hiện nay ở nước ta nói chung, các địa phương nói riêng đang gặp phải, đông thời chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, sáng kiến khả thi trong xử lý chất thải sinh hoạt, biến rác trở thành tài nguyên hữu ích.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia môi trường cho biết, rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề nóng, gây bức xúc ở nhiều địa phương. Lượng rác chôn lấp khá lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đến định hướng phát triển bền vững của nền kinh tế và là mối nguy tiềm ẩn cho nguồn nước ngầm và sức khỏe con người không chỉ thế hệ hôm nay và cả mai sau.
Trao đổi tại Diễn đàn, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh sự cần thiết nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cũng như các giải pháp hữu hiệu nhằm biến rác thải sinh hoạt thành tài nguyên hữu ích để phục vụ các nhu cầu của đời sống con người. Vì xử lý chất thải rắn đang trở thành vấn đề xã hội bức thiết và là một trong những thách thức đối với quản lý Nhà nước vì mục tiêu phát triển bền vững.
Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, Diễn đàn Môi trường năm 2023 là dịp quan trọng để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp nhận diện và lựa chọn những công nghệ tiên tiến, hiện đại về xử lý rác thải phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng đến trung hòa carbon vào năm 2050.
Phát biểu tại Diễn đàn, GS.TS. Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam, đó là: Duy trì và cải tiến hoạt động thẩm định công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt của các dự án đầu tư; hoàn thiện tài liệu hướng dẫn thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt về đánh giá cơ sở khoa học, yêu cầu về trình độ tiên tiến của công nghệ, thiết bị nhập khẩu hay tự thiết kế, chế tạo trong nước; chú ý đánh giá tính khả thi, bền vững của công nghệ được đề xuất cho dự án đầu tư, lưu ý những sai sót có thể dẫn đến những hậu quả về môi trường; việc thiết kế, tính toán về công nghệ cần chú ý tính toán phương án xử lý sự cố môi trường xấy nhất và sức chịu tải của môi trường; duy trì và phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc rà soát đánh giá toàn diện các công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt mới áp dụng tại Việt Nam để có cơ sở khoa học và thực tiễn khuyến khích áp dụng công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam; chú ý tiêu chuẩn lựa chọn chuyên gia đánh giá công nghệ; hướng dẫn địa phương lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam; chi phí về đầu tư và và duy trì công nghệ phù hợp khả năng của Việt Nam.
Có thể nói Diễn đàn đã góp phần lan tỏa sâu rộng Luật Bảo vệ môi trường 2020 và ý nghĩa của ngày Môi trường thế giới, kết nối, kêu gọi các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân cùng nhau đồng hành, hỗ trợ để chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa vì môi trường xanh, chuyển tải những thông điệp về các chế tài từ các cấp quản lý đến doanh nghiệp, người dân một cách nhanh chóng, dễ hiểu nhất.