Đề xuất nhiều quy định quan trọng về dẫn độ có điều kiện
Chiều 15/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật: Dẫn độ, Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Tương trợ tư pháp về dân sự, Tương trợ tư pháp về hình sự.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành 4 Luật trên cơ sở tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp hiện hành. Luật Tương trợ tư pháp hiện hành điều chỉnh 4 lĩnh vực tương trợ tư pháp nhưng mỗi lĩnh vực lại có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động, mục đích và nội dung khác nhau nên khó bảo đảm áp dụng đồng bộ, dẫn đến việc các quy định chung của Luật không điều chỉnh được những đặc thù riêng trong từng lĩnh vực.
Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp qua hơn 16 năm đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được tháo gỡ, giải quyết; một số quy định của các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên cần được tiếp tục nội luật hóa; nhiều nội dung cần được sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự án Luật Dẫn độ do Bộ Công an chủ trì xây dựng dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.
Trình bày Tờ trình Luật Dẫn độ, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan soạn thảo đã đề xuất, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này.
Dự thảo Luật Dẫn độ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về dẫn độ có điều kiện, trong đó thông báo không thi hành hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ.
Cụ thể, theo dự thảo luật, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan báo cáo Chủ tịch nước.
Căn cứ ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao thông báo cho nước ngoài về việc không thi hành hình phạt tử hình. Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này.
Dự thảo Luật Dẫn độ còn quy định về không truy cứu trách nhiệm hình sự, không thi hành án đối với người bị dẫn độ ngoài tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ; không dẫn độ cho nước thứ ba; trừ các trường hợp: nước được yêu cầu đã đồng ý trước đó bằng văn bản; người bị dẫn độ đã không rời khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người đó được tự do rời đi; người bị dẫn độ đã tự nguyện quay trở lại sau khi đã rời khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu dẫn độ.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Khoản 1 Điều 13 quy định về trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Ủy ban Pháp luật - Tư pháp tán thành với quy định này của dự thảo Luật và nhận thấy đây là vấn đề mới, quan trọng. Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành.
Bên cạnh đó, còn có trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định để xử lý trường hợp này. Vì vậy, đề nghị quy định cụ thể phương án xử lý trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung quy định của khoản 1 Điều 13, bởi vì sẽ ảnh hưởng nhất định đến tính độc lập của Tòa án. Đồng thời, việc dự thảo Luật quy định thẩm quyền này cho Chủ tịch nước thì cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để bảo đảm phù hợp với vị thế của người đứng đầu Nhà nước trong một vấn đề cụ thể của hoạt động dẫn độ.
Về xử lý trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ để thi hành án của Việt Nam, khoản 2 Điều 23 quy định trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ để thi hành án của Việt Nam thì lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để yêu cầu nước ngoài công nhận và thi hành bản án đó tại nước ngoài. Ủy ban Pháp luật - Tư pháp đề nghị làm rõ đối tượng áp dụng là người nước ngoài hay công dân Việt Nam. Trường hợp đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam thì đề nghị đánh giá tác động và cân nhắc tính khả thi của quy định này vì đây là vấn đề mới, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không có quy định này và dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự không quy định vấn đề này thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, làm rõ và trường hợp cần thiết thì đề nghị bổ sung vấn đề này vào dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự để có cơ sở thực hiện.
Về Điều 31 quy định về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ khi chưa có yêu cầu dẫn độ chính thức từ phía nước ngoài, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp nhận thấy, đây là quy định mới nhằm nội luật hóa cam kết của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ, phù hợp với thông lệ quốc tế, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trên thực tế, do đó cơ bản tán thành với nội dung nêu trên của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Luật Tương trợ tư pháp hiện hành không quy định bắt người trong trường hợp khẩn cấp khi nước ngoài chưa có yêu cầu chính thức. Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định về bắt khẩn cấp để dẫn độ khi Tòa án đã có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ đối với người đó hoặc quyết định dẫn độ đối với người đó đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất và thực hiện quy định của Luật Điều ước quốc tế, đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật này về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ mà không cần thiết sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự.