Đề xuất những giải pháp trong công tác phòng chống ngập úng cho đô thị Đà Nẵng
Ngập úng đô thị Đà Nẵng trong những năm qua đã trở thành một trong những thử thách lớn cho chính quyền nơi này. Giải quyết bài toán ngập ứng đô thị luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay. Ông Hà Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng chia sẻ những khó khăn và giải pháp trong công tác phòng chống ngập úng cho đô thị Đà Nẵng hiện nay.
Theo ông Hà Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng là thành phố đồng bằng ven biển nên hướng thoát nước chủ yếu đổ ra sông và biển, một số khu vực nước thoát được tập trung vào hồ điều tiết trước khi đổ ra sông, biển. Hệ thống thoát nước của Đà Nẵng được đầu tư từ năm 1995 đến nay cho khu vực đô thị dài gần 1.800km và gần 30km kênh mương hở. Qua quá trình phát triển đô thị đã làm giảm năng lực thoát nước của các tuyến công khi có mưa lớn. Trong thời gian gần đây, tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều đã vượt qua năng lực của hệ thống thoát nước hiện có gây khó khăn trong công tác phòng, chống ngập úng.
Bên cạnh đó còn nhiều bất cập trong quá trình khớp nối hạ tầng, cống hạ lưu nhỏ hơn cống thượng lưu nên ảnh hưởng đến quá trình thoát nước. Các cửa van xả nước vào hồ và thoát nước hiện đang vận hành bằng thủ công mất nhiều thời gian và không kịp thời khi vận hành đóng mở. Cơ sở vật chất, xe máy, trang thiết bị phục vụ công tác vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước còn thiếu và không đồng bộ…
Để phòng, chống ngập úng đô thị Đà Nẵng hiện nay, ông Hà Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã đề ra một số giải pháp.
Theo đó, Đà Nẵng cần cải tạo hệ thống thoát nước, đối với các tuyến công thoát nước cần đánh giá khả năng thoát nước của tuyến cống. Đề xuất hướng thoát nước mới giải quyết ngập úng cho khu vực. Có kế hoạch cải tạo lại các tuyến cống cũ bị hư hỏng, xuất cấp, cải tạo mở rộng khẩu độ các điểm đấu nối, các tuyến công hạ lưu bị thu hẹp dòng chảy. Đánh giá hiệu quả của các cửa thu nước hiện trạng và đề xuất giải pháp thiết kế, cải tạo thích hợp. Bổ sung thêm cửa thu nước tại các vị trí thấp trũng đảm bảo thu nước mặt vào cống thoát nước.
Rà soát, nâng cấp nắp hố ga các tuyến cống bị lát gạch vỉa hè, tạo thuận lợi cho quá trình vận hành, duy tu, bảo dưỡng. Tăng cường công tác khơi thông các cửa xả ven sông, ven biển và nghiên cứu các giải pháp bồi lắng cản trở dòng chảy tại các vị trí này.
Đối với các dự án đang triển khai yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Di dời các hạng mục hạ tầng ngầm khác ra khỏi hệ thống thoát nước tránh gây tắc nghẽn, cản dòng chảy. Đối với các trạm bơm chống ngập, đầu tư mua sắm bổ sung các máy bơm chống ngập tại một số trạm bơm. Triển khai thực hiện giai đoạn 2 trạm bơm chống ngập Ông Ích Khiêm nhằm nâng cao công suất vận hành, đáp ứng theo yêu cầu thực tế hiện nay. Bên cạnh đó đầu tư thêm các máy bơm chống ngập di động để phục vụ cho công tác bơm chống ngập tại các vị trí ngập úng cục bộ trong thời gian đến.
Đối với các tuyến kênh thoát nước, nghiên cứu, tính toán lại khả năng thoát nước của các tuyến kênh và mở các tuyến cống thoát nước ra biển nhằm giảm tải cho các tuyến kênh và sông. Đối với các vị trí dòng chảy trên các tuyến kênh bị cản trở do cầu đường bộ bắt qua cần nghiên cứu cải tạo, mở rộng khẩu độ nhằm đảm bảo khả năng thoát nước. Đối với các hồ điều tiết tiến hành nạo vét lòng hồ để tăng khả năng điều tiết nước trong mùa mưa lũ. Cải tạo cơ cấu nâng hạ các cửa van xả nước vào và cửa van thoát nước ra khỏi hồ bằng motor điện giúp chủ động hơn trong công tác thoát nước và chống ngập.
Tổ chức tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia cùng với đơn vị thoát nước thực hiện vớt rác, khơi thông cửa thu nước trước nhà, kênh mương, cống thoát.